Vui Tết Độc lập, hào hứng khám phá văn hóa trên cao nguyên Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi dịp Lễ Quốc khánh, người dân tộc Tày, Nùng trong xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk gác lại công việc, dành thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các hoạt động vui Tết Độc lập.
Người dân xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk sửa soạn mâm cơm cúng Bác Hồ trong Tết Độc lập. (Ảnh: TTXVN phát)

Người dân xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk sửa soạn mâm cơm cúng Bác Hồ trong Tết Độc lập. (Ảnh: TTXVN phát)

Để phục vụ nhân dân và du khách vui chơi trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm 2023, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi ở khắp các thôn, buôn.

Vui Tết Độc lập

Mỗi dịp Lễ Quốc khánh 2/9, tại xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, đường làng ngõ xóm rực rỡ lá cờ Tổ quốc tung bay. Nhân dân trong xã dọn dẹp quang cảnh xung quanh nhà, treo cờ Tổ quốc, nấu cơm dâng lên bàn thờ Bác Hồ và tổ tiên, làm bánh chưng, giao lưu thể dục, thể thao, giao lưu đàn Tính hát Then.

Chị Hoàng Thị Nhật Lệ, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết mỗi dịp Lễ Quốc khánh, người dân tộc Tày, Nùng trong xã gác lại công việc, dành thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các hoạt động vui Tết Độc lập từ ngày 1-3/9.

Là một người trẻ, được cùng các bà, các cô sum họp, gói bánh chưng, hát Then vào dịp này, chị Lệ cảm thấy hạnh phúc, tự nhắc nhở, dặn dò thế hệ mai sau ghi nhớ công lao của Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Đường cờ Tổ quốc tại thôn 4, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Đường cờ Tổ quốc tại thôn 4, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Xã Cư Êwi hiện có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó hơn 50% dân số của xã là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc như Tày, Nùng vào định cư đã hơn 30 năm nay. Từ buổi khai sơ lập nghiệp trên mảnh đất mới, người dân gặp không ít khó khăn, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống người dân ngày càng khởi sắc.

Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính của xã ra đời, đến nay đã có 40 thành viên. Những ngày này, các bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước được các thành viên câu lạc bộ thể hiện, làm không khí dịp Lễ Quốc khánh 2/9 trở nên ấm áp, vui tươi.

Tại huyện Ea Kar, dịp Lễ Quốc khánh này, Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức Liên hoan Cồng chiêng-Thể thao năm 2023 để nhân dân 28 dân tộc trên địa bàn vui Tết Độc lập.

Liên hoan diễn ra sôi nổi với các nội dung: biểu diễn cồng chiêng, đua thuyền Kayak, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, giã gạo, nhảy bao bố, hóa trang. Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân huyện bố trí các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực đặc trưng của địa phương...

Liên hoan thu hút đông đảo nhân dân tham gia, làm không khí Tết Độc lập ở các buôn làng trên địa bàn huyện sôi nổi, rộn ràng.

Anh Y Nhuynh Niê, xã Cư Ni, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ người dân trong buôn hào hứng, nhiệt tình tham gia các hoạt động như diễn tấu cồng chiêng, giã gạo, đua thuyền, kéo co, đẩy gậy…

Nhân dân các dân tộc huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk thi giã gạo vui đón Tết Độc lập. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Nhân dân các dân tộc huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk thi giã gạo vui đón Tết Độc lập. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Do đó, anh Y Nhuynh Niê hy vọng huyện sẽ tiếp tục tổ chức các đợt liên hoan, cuộc thi để người dân các buôn làng giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn và đoàn kết, cố gắng hơn trong cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà cho hay diễn ra trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9, liên hoan tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, vui Tết Độc lập.

Liên hoan nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Hào hứng khám phá văn hóa

Trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị thuộc Sở tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc như: trưng bày, triển lãm sách và xe Thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” phục vụ bạn đọc; trình diễn thời trang “Tự hào bản sắc dân tộc”; chương trình trải nghiệm Nghệ thuật Xòe Thái với chủ đề "Noọng ơi"; trưng bày, triển lãm ảnh nghệ thuật về vùng đất Tây Nguyên, văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và danh lam thắng cảnh của tỉnh...

Các hoạt động mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đã khiến nhân dân và du khách thích thú tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm.

Chị Diêm Thị Hạnh sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm nay. Dịp lễ này, trở về thăm gia đình ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, cùng bạn bè tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch và các hoạt động văn hóa văn nghệ tại thành phố Buôn Ma Thuột, chị Hạnh cho biết bản thân rất vui vì thành phố đã có nhiều đổi mới, hiện đại, trong lành, sạch sẽ.

Đặc biệt, chị Hạnh ấn tượng với các hoạt động tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên khiến chị thấy gần gũi và gợi nhớ nhiều về tuổi thơ.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1958, du khách đến từ quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, cùng gia đình đến tỉnh Đắk Lắk tham quan, nghỉ mát trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9.

Du khách tìm hiểu kiến trúc nhà truyền thống của người Êđê tại Buôn AKô Đhông, thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Du khách tìm hiểu kiến trúc nhà truyền thống của người Êđê tại Buôn AKô Đhông, thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Gia đình bà Hạnh đã tham quan các khu, điểm du lịch như: Khu Du lịch Sinh thái Cộng đồng Ko Tam, Bảo tàng Thế giới Cà phê, thác Dray Nur và tham gia, thưởng thức các hoạt động tại Liên hoan Cồng chiêng-Thể thao huyện Ea Kar năm 2023.

Theo bà Hạnh, không khí tại tỉnh Đắk Lắk trong lành, mát mẻ, các khu điểm du lịch và lễ hội có những nét độc đáo, đặc trưng riêng khiến gia đình bà rất vui, ấn tượng.

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9, tổng số khách tham quan tại các khu, điểm du lịch ước đạt 48.500 lượt khách. Khách lưu trú ước đạt 26.000 lượt người, tăng 36,84% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có 850 lượt khách quốc tế lưu trú.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết các hoạt động phục vụ nhân dân và du khách vui Tết Độc lập diễn ra từ giữa tháng Tám đến cuối tháng Chín, trong đó cao điểm vào bốn ngày nghỉ lễ, từ 1-4/9.

Năm nay, các hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc song cũng rất đa dạng, trẻ trung, phù hợp với nhiều lứa tuổi để du khách trải nghiệm, hòa nhập với văn hóa địa phương.

Đặc biệt, các hoạt động nhằm truyền tải thông điệp “Đắk Lắk - Điểm đến yên bình” đến du khách, yên bình về an ninh trật tự, giá cả dịch vụ ổn định và người dân thân thiện, mến khách.

Từ các hoạt động diễn ra trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9, người dân Đắk Lắk như được hun đúc thêm niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Bên cạnh đó, với các hoạt động trong dịp nghỉ lễ, hình ảnh về cảnh đẹp Đắk Lắk, người dân Đắk Lắk cùng những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột đã ngày càng ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách về một Đắk Lắk văn minh, thân thiện, mến khách.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.