Việc 2 thủy điện “cùng nhau” tích nước, "bức tử" sông Đăk Snghé khiến hơn 100 hécta hoa màu của người dân huyện Kon Rẫy có nguy cơ chết khô.
Sông Đăk Snghé bị 2 thủy điện cùng nhau “bức tử” trở thành dòng sông 'chết'. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN) |
Liên quan đến vụ việc Thủy điện bức tử sông Đăk Snghé, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum vừa có văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc (số 942/Ủy ban Nhân dân-HTKT ngày 26/3).
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum có ý kiến ưu tiên đảm bảo nguồn nước tưới cho khu vực đất canh tác, sản xuất ở hạ du.
Cụ thể, trong thời gian thủy điện Thượng Kon Tum tích nước đến cao trình cống xả môi trường, Công ty cổ phần đầu tư năng lượng Trường Thịnh (Chủ dự án thủy điện Đăk Ne) thực hiện tính toán, điều chỉnh phương án phát điện của Nhà máy thủy điện Đăk Ne phù hợp, đảm bảo nguồn nước tưới cho khu vực đất canh tác, sản xuất của nhân dân phía hạ du đập thủy điện Đăk Ne, xã Tân Lập, Đăk Tơ Lung huyện Kon Rẫy.
Thời gian chạy máy trong ngày từ 6-11 giờ 30 phút và từ 15-20 giờ, thời gian tích nước từ 20 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau.
Công ty cổ phần đầu tư năng lượng Trường Thịnh thực hiện nghiêm Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Ne theo quy định… Ngoài ra, Công ty cổ phần đầu tư năng lượng Trường Thịnh thực hiện thống kê thiệt hại do bị ảnh hưởng bởi thủy điện Thượng Kon Tum chưa xả dòng chảy môi trường trong thời gian tích nước gửi về Sở Công thương và Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh để đề xuất phương án hỗ trợ phù hợp.
Ủy ban Nhân dân huyện Kon Rẫy chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Tân Lập và xã Đăk Tơ Lung phối hợp với Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với diện tích lúa, cây trồng do thiếu nguồn nước tưới làm cơ sở đề nghị Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh xem xét, hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân bị ảnh hưởng (hoàn thành việc kiểm kê và hỗ trợ trong tháng 3/2020); tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình vận hành phát điện của Nhà máy thủy điện Đăk Ne theo thời gian nêu trên và thông báo cho nhân dân biết, chủ động lấy nước phục vụ sản xuất và có biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi phối hợp các phòng chuyên môn của huyện, Ủy ban Nhân dân xã Tân Lập và Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh kiểm tra, xây dựng phương án kiên cố bằng bê tông để nâng dòng chảy cấp nước cho công trình thủy lợi Đăk Snghé nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất cho nhân dân trong khu vực (hoàn thành việc xây dựng trước ngày 31/3/2020).
Cùng với đó, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Kon Rẫy rà soát, xác định giá trị thiệt hại trong quá trình tích nước tạm thủy điện Thượng Kon Tum để xem xét, có phương án hỗ trợ kịp thời đối với các hộ dân bị ảnh hưởng…; thực hiện vận hành xả dòng chảy môi trường theo đúng Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi tích nước đến cao trình cống xả môi trường.
Bên cạnh đó, Chủ tich Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum còn yêu cầu Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân huyện Kon Rẫy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy trình vận hành hồ chứa các công trình thủy điện trên; kiên quyết xử lý đối với các doanh nghiệp không thực hiện theo quy trình vận hành hồ chứa theo thẩm quyền và các quy định hiện hành; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Trước đó, trên các phương tiện thông tin đã có những bài viết phản ánh tình trạng 2 công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Ne đã "bức tử" sông Đăk Snghé (đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy) khi cùng nhau tích nước ở mùa khô.
Cụ thể, thủy điện Thượng Kon Tum được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cho phép tích nước vào mùa khô kiệt (cuối tháng 2), thời gian tích nước trong 60 ngày.
Dưới hạ du công trình thủy điện lớn nhất Tây Nguyên đang thi công này, nhà máy thủy điện Đăk Ne không thực hiện đúng Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, tiếp tục tích nước, chỉ xả khi phát điện, chính quyền và nhân dân không biết.
Sau khi sự việc xảy ra, các bên có liên quan liên tục thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau. Việc 2 thủy điện “cùng nhau” tích nước, "bức tử" sông Đăk Snghé khiến hơn 100 hécta hoa màu của người dân huyện Kon Rẫy có nguy cơ chết khô.
Theo Cao Nguyên (TTXVN/Vietnam+)