Vụ sập cầu Bung: Bắt giam đối tượng liên quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhằm giải quyết nhu cầu lưu thông qua lại của nhân dân khu vực, tháng 9-1999, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt dự toán công trình cầu Bung (Krong Pa), do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Công ty Công trình Giao thông 134 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình 1, Bộ Giao thông Vận tải được giao thi công giai đoạn I (từ 1999 đến 2001). Theo thiết kế, cầu Bung sử dụng dàn thép bán vĩnh cửu (tận dụng từ cầu Lệ Bắc cũ), mặt cầu bằng bê tông cốt thép liên hợp có chiều dài 234 mét gồm 11 nhịp với 9 móng trụ. Đường vào hai đầu cầu là đường cấp V miền núi. Ông Phan Anh Tuấn (SN 1974, trú tại phường 16, quận 8, TP. Hồ Chí Minh) là cán bộ kỹ thuật Đội cầu II của Công ty trên được phân công trực tiếp quản lý, chỉ đạo kỹ thuật thi công cầu Bung.

Bắt tạm giam Phan Anh Tuấn. Ảnh: Thanh Khiết
Bắt tạm giam Phan Anh Tuấn. Ảnh: Thanh Khiết
Ngày 1-8-2001, giai đoạn I của dự án xây dựng cầu Bung hoàn thành, nghiệm thu với tổng kinh phí hơn 7,6 tỉ đồng. Sau 4 năm đưa vào sử dụng, tháng 11-2005, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt dự toán công trình nâng cấp cầu Bung (giai đoạn II) với tổng dự toán công trình hơn 8 tỉ đồng. Lần này Công ty 508 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5, Bộ Giao thông Vận tải trúng thầu thi công từ tháng 10-2006. Ngày 5-11-2007, do mưa lũ đã xảy ra sập trụ T8, kéo theo sập đổ 2 nhịp N8, N9 và hư hại trụ T9. Tháng 8-2008, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh được giao phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định làm rõ nguyên nhân sự cố trên. Theo thiết kế kỹ thuật, móng trụ T8 có 12 cọc bê tông cốt thép 30cmx 30cm, chiều dài 12,45 mét (kể cả mũi thép).

Qua khám nghiệm, Cơ quan Điều tra thu giữ 2 cọc bê tông cốt thép tại trụ T8, trong đó có một cọc đầu còn mũi thép nhọn, tổng chiều dài chỉ 5,1 mét. Cọc thứ 2 không  có đầu thép dài 5,3 mét. Ngày 24-4-2009, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải đã có kết luận giám định kỹ thuật sự cố cầu Bung, xác định: “ Cầu Bung sập đổ trụ số T8 kéo theo sập đổ 2 nhịp N8, N9 (mỗi nhịp dài 21,4 mét) và gây hư hại nặng trụ T9 do thi công đóng cọc trụ T8 không đúng theo thiết kế, dẫn đến chiều dài ngàm trong đất sau khi xói không đủ theo quy định, vì vậy gặp lũ đã dẫn đến sự cố trên...”. Tổng giá trị thiệt hại là 1.477.159.000 đồng.

Hiện trường vụ sập cầu Bung. Ảnh: Thanh Khiết
Hiện trường vụ sập cầu Bung. Ảnh: Thanh Khiết
Căn cứ vào kết quả điều tra và kết luận giám định nguyên nhân sự cố vụ sập cầu Bung, sáng ngày 6-5, tại Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và Chức vụ Công an tỉnh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Phan Anh Tuấn về hành vi “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. Trước đó, ngày 29-4-2009, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với Phan Anh Tuấn về tội danh trên. Được giao trực tiếp quản lý, chỉ đạo kỹ thuật thi công cầu Bung, Tuấn đã chỉ đạo công nhân không làm đúng thiết kế kỹ thuật. Cụ thể là chiều dài cọc bê tông cốt thép trong móng trụ T8 không đủ, gây sập cầu. Bước đầu, Phan Anh Tuấn thừa nhận đoạn cọc có mũi thép được Cơ quan Điều tra thu giữ  tại hiện trường được đóng đạt độ chối với chiều dài 5,58 mét, phần đoạn cọc bị cắt bỏ là 6,6 mét. Ngoài ra các cọc bê tông cốt thép khác trong trụ T8 bị cắt bỏ bao nhiêu đang được xác định tiếp...

Hiện Cơ quan Điều tra tiếp tục xác minh mở rộng vụ án và làm rõ một số cán bộ trong Ban Quản lý dự án và đơn vị trực tiếp thi công có liên quan tới vụ án trên.
Thanh Khiết

Có thể bạn quan tâm