Về Tel Yố thăm Anh hùng lực lượng vũ trang Kpuih Thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bước vào những ngày tháng 9 lịch sử, chúng tôi có dịp về làng Tel Yố, thăm và gặp gỡ người Anh hùng lực lượng vũ trang Kpuih Thu ở tuổi xế chiều. Ông không còn đủ tỉnh táo để tiếp chuyện chúng tôi, nhưng bằng giọng mũi húng hắng như thể muốn nhắc nhở người vợ đón tiếp chúng tôi.

 Anh hùng Kpuih Thu những ngày trên giường bệnh. Ảnh: Mộng Thường
Anh hùng Kpuih Thu bên vợ những ngày trên giường bệnh. Ảnh: Mộng Thường

Bước chân vào làng Tel Yố, nắng chiều hòa cùng màu đất đỏ Bazan nhuộm vàng dấu chân người. Không khí làng Tel Yố rộn ràng hơn hẳn, những thanh niên thì hòa vào đất mùi mồ hôi bằng những cú đập bóng chuyền, những dân làng thì cười  nói, trao đổi sau ngày lao động mệt nhọc.

Hỏi thăm về Kpuih Thu, người Anh hùng lực lượng vũ trang nổi tiếng cùng thời kháng chiến chống Mỹ với Anh hùng Núp, bà con Tel Yố ai cũng nhao nhao chỉ đường cho chúng tôi. Nhưng cũng không ít người buồn bã “già Thu yếu lắm, vào không nói chuyện được gì đâu,…”.

Rẽ vào con đường đất đỏ, căn nhà nhỏ của Kpuih Thu nằm khuất lấp sau những hàng cà phê sắp đến vụ.

Gặp được Siu Đói, vợ của Kpuih Thu, bà nói với chúng tôi “ông đã yếu lắm, chẳng thể nói hay kể được chuyện gì nữa rồi”. Cái làng Tal Yố này đã không còn được nghe những câu chuyện sang sảng của già Kpuih Thu về thành tích Cách mạng của làng từ vài năm rồi.

Bước vào căn nhà nhỏ của ông bà, nhìn thấy cảnh vợ chăm ông, chúng tôi không khỏi đùa vui: “Nhìn bà vẫn còn khỏe lắm ạ! Vẫn còn mặn nồng với già lắm lắm…”.  Bà Siu Đói cười ngại ngùng. Thông qua “phiên dịch”, chúng tôi câu hiểu câu không, về chuyện tình giữa Kpuih Thu và bản thân, chỉ biết nôm na rằng, bà Siu Đói cũng không còn nhớ rõ ông bà đã bao nhiêu tuổi, đã về sống với nhau qua bao mùa rẫy. Bà cũng chỉ nhớ được ngày đấy, sau khi ông Kpuih Thu về làng thì cha mẹ bà cũng đã mất rồi, thấy ông Thu thui thủi một mình nên bà tự thân “bắt” về làm chồng… rồi sống với nhau đến giờ.

Đỡ ông tựa vào người mình để chúng tôi lưu giữ hình ảnh, nhìn vị Anh hùng lực lượng vũ trang yếu mệt không khỏi khiến mọi người xót xa. Ở cái tuổi “cổ lai hy”, không thể nhìn ra đây từng là người anh hùng từng vào sinh ra tử. Giờ đây, khi chúng tôi đến thăm, thấy chúng tôi, cánh tay ông quờ quạng như thể vồn vã, mời chào nhưng bất lực. Sức ông đã yếu dần, trí nhớ dường như chỉ tồn tại trong chính tâm thức ông, đã không thể thể hiện được bằng ngôn từ. Tay run, chân mỏi, đôi tai, đôi mắt cũng chẳng còn được tinh anh nữa.

Còn đâu người Xã đội trưởng Kpuih Thu quả cảm, mưu trí, gắn với những trận đánh du kích ở xã Ia Hlốp, Ia Ko đã vang dội khắp chiến trường Tây Nguyên. Còn đâu hình ảnh người thanh niên dân tộc thiểu số đóng khố, cởi trần, tay cầm con dao nhỏ, cổ chân buộc sợi dây thừng, kéo lê khẩu súng di chuyển trên những tuyến đường có nhiều địch, đợi thời cơ thuận lợi là bắn phá, tiêu diệt lính và xe quân sự của chúng.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, Kpuih Thu là người hướng dẫn và chỉ huy du kích xã liên tục bám đường, đánh địch hàng trăm trận, tiêu diệt nhiều lính Mỹ-Ngụy, bắn rơi máy bay và phá hủy nhiều phương tiện quân sự của địch khiến kẻ thù bao phen kinh sợ. Được biết, Kpuih Thu được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 5-5-1965.

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Kpuih Thu được biết đến bằng việc cùng bà con dân làng phát triển kinh tế và xây dựng đời sống mới. Người dân làng Tel Yố, ai cũng trầm trồ khen ông chẳng những đánh giặc giỏi, gia đình giàu truyền thống, đã thế, đến làm kinh tế cũng giỏi… Bà Siu Đói cười bẽn lẽn nói với chúng tôi: “đấy là cái thời cách đây chừng chục năm, còn bây giờ thì ông ấy chỉ nằm một chỗ thôi. Đôi lúc, ông ấy còn lên cơn, “quậy” tung mọi thứ trên giường lên, chắc do nằm một chỗ bức bối không chịu được… Còn đàn bò, là nhà nước cho đấy, gia đình chỉ lo phát triển từ đó lên mà thôi…”.

Chia tay bà Siu Đói, chia tay người anh hùng một thuở Kpuih Thu, chúng tôi đạp nắng chiều ra về trong khắc khoải, phiền muộn và hy vọng…

Mộng Thường

Có thể bạn quan tâm