Về làng Đáp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi về lại quê hương Anh hùng Núp vào ngày đầu mùa hạ. Chiếc xe máy bon bon trên con đường bê tông từ UBND xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) về làng Đáp chưa đầy 2 km. Tôi cho xe chạy thật chậm để chiêm ngưỡng cánh đồng mía bạt ngàn xanh thẳm. Những mầm mía non mới thu hoạch, khoe mình vươn lên trong lớp đất tro rập rờn dưới nắng. Mía bao phủ lấy làng Đáp như ôm ấp, yêu thương một vùng đất đã vượt lên từ gian khó, đói nghèo.

Hôm ấy, làng Đáp đang chuẩn bị cho lễ hội mừng nhà rông mới. Chúng tôi ngồi lại trong ngôi nhà rông vừa mới hoàn thành còn hăng hắc mùi sơn. Già làng Đinh Văn Tớp và Trưởng thôn Đinh Alech nở nụ cười rạng rỡ khoe: “Năm nay làng tổ chức lễ hội là để tạ ơn thần linh, ăn mừng nhà rông mới do Nhà nước và dân cùng làm đã hoàn thành. Vui lắm, đêm nay dân làng sẽ tập trung đông đủ, thức thâu đêm, gõ cồng chiêng, múa xoang và uống rượu đón chào lễ chính thức sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày mai”.

 

Một góc làng Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: A.S
Một góc làng Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: A.S

Già làng Tớp kể: Trước kia, làng Đáp có chưa đầy 20 bếp, nằm rải rác sát chân núi Chư Lây huyền thoại, gần Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung). Dân làng cũng từng theo bok Núp làm hầm chông, bẫy đá đánh Pháp, từng góp công vào trận Đak Pơ làm nên lịch sử. Ấn tượng nhất là năm 1969, khi cánh đồng lúa Đê Bar đang kỳ thu hoạch bị lính Mỹ càn quét tàn phá, dân làng Đáp đã phối hợp cùng du kích đặt mìn, phục kích chặn đánh khiến một số xe tăng hư hỏng nặng và rất nhiều lính thương vong.

Đến năm 1985, xã Nam (huyện Kbang) được tách ra thành 3 xã, trong đó làng Đáp thuộc xã Kông Lơng Khơng và dời về khu vực này cho đến nay. Trải qua bao biến đổi, từ gian khó đi lên, đến nay làng có 78 hộ và 110 ha đất sản xuất, trong đó cây trồng chủ lực là mía và lúa 2 vụ.

Tôi cùng Trưởng thôn Đinh Alech dạo một vòng quanh làng trên con đường bê tông phẳng lì; bên đường, những trụ điện vươn cao. Những ngôi nhà xây ẩn mình trong vườn cây ăn quả, nhà nào cũng có vài chiếc xe máy đời mới dựng trước sân. Tôi dừng chân lại trước một ngôi nhà xây khang trang, nền láng gạch hoa bóng loáng, ngoài sân vườn là những chiếc máy cày, máy xới. Anh Alech khoe: “Đây là nhà anh Đinh Văn Giang, là nông dân sản xuất giỏi của làng đấy! Năm vừa rồi anh Giang thu không dưới 200 triệu đồng từ cây mía”. Rồi vừa đi, Đinh Alech vừa kể: Mấy năm gần đây mía hạ giá, chứ 3 năm về trước thì nhiều gia đình ở làng này mỗi năm thu hàng trăm triệu trở lên. Làm mía bây giờ khỏe hơn làm các cây khác nhiều. Tất cả đều được nhà máy đầu tư, từ cày bừa, phân giống, kỹ thuật…, mình chỉ có đất và công làm cỏ. Những năm vừa rồi, thu nhập bình quân đầu người là 12 triệu đồng/năm. Để có cuộc lễ hội này, mỗi hộ tự nguyện đóng góp cho làng không dưới 400 ngàn đồng”. Thông tin đó giúp chúng tôi nắm bắt được rằng mức sống ở làng đã được nâng cao rất nhiều

Sáng hôm sau, mừng nhà rông mới hoàn thành, tất cả dân làng tập trung về sân nhà rông. Cả một khoảng không gian rộng lớn trở nên đông đúc, rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống. Những hàng dài rượu ghè xếp quanh cây nêu thẳng tắp. Mọi người tụm vào nhau vít những cang rượu cần chuyện trò rôm rả.

Làng Đáp hôm nay cũng như nhiều làng khác trên quê hương Anh hùng Núp, đâu đâu cũng trải thảm ngút ngàn màu xanh của cây mía, cây lúa. Ngắm nhìn những làng kiểu mới, những ngôi nhà xây dọc đường Trường Sơn Đông, tôi chợt liên tưởng đến chiếc áo mới trên vùng kháng chiến năm xưa. Một sức sống không phải trong mơ, mà là một cuộc đổi đời thật sự.

An Sinh

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.