Về lại chiến khu xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong không khí hân hoan của những ngày tháng 8 lịch sử, Ban liên lạc những người tham gia hoạt động cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến tỉnh Gia Lai đã tổ chức hành trình “Về nguồn” thăm lại căn cứ cách mạng tại xã Krong (huyện Kbang). Nhiều thành viên không giấu được sự xúc động sau hơn 40 năm trở về với vùng đất mình từng tham gia chiến đấu một thời.
 

Đoàn làm việc với Thường trực Huyện ủy Kbang. Ảnh: Hồng Thi
Đoàn làm việc với Thường trực Huyện ủy Kbang. Ảnh: Hồng Thi

7 giờ sáng 15-8, gần 30 thành viên Ban liên lạc những người tham gia hoạt động cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến tỉnh Gia Lai bắt đầu hành trình vượt hơn 100 cây số về huyện Kbang. Trước khi vào thăm lại khu căn cứ, đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Kbang. Tiếp đoàn có ông Trương Văn Đạt-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang.

Tại đây, các thành viên trong đoàn nghe Bí thư Huyện ủy Kbang khái quát về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian qua cũng như công tác triển khai phục dựng khu căn cứ cách mạng khu 10 (xã Krong). Theo đó, Kbang là huyện thuần nông, người dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu với 11.000 ha mía, 3.500 ha cà phê, cây ăn quả, hồ tiêu cũng như đầu tư vào chăn nuôi, nhất là nuôi heo và gà công nghệ cao. Huyện cũng đang phát huy thế mạnh về văn hóa-lịch sử, sinh thái để đẩy mạnh phát triển du lịch, trồng cây dược liệu; đồng thời tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.

 

Các thành viên ôn lại kỷ niệm tại khu căn cứ cách mạng khu 10, xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: H.T
Các thành viên ôn lại kỷ niệm tại khu căn cứ cách mạng khu 10, xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: H.T

Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 22%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng… Riêng việc phục dựng khu căn cứ Krong, huyện đã trồng xong cây rừng xung quanh và hoàn thiện hệ thống giao thông từ trung tâm xã vào khu căn cứ; các hạng mục khác đang được triển khai theo đúng kế hoạch.

Đại diện Ban liên lạc đề cập đến mục đích chuyến đi, đồng thời mong muốn huyện Kbang cho phép được đưa cây trắc ở xã Sơn Lang (từng sử dụng gỗ để xây Lăng Bác) về trồng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku)-nơi đang đặt Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Lãnh đạo huyện Kbang đã thống nhất hỗ trợ Ban liên lạc vận chuyển cây về Quảng trường trong thời gian sớm nhất.

 

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại khu căn cứ. Ảnh: Hồng Thi
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại khu căn cứ. Ảnh: Hồng Thi

Chuyến hành trình “Về nguồn” chính thức bắt đầu khi mặt trời đã gần đứng bóng. Trên đoạn đường dài ngoằn ngoèo từ trung tâm huyện Kbang về khu căn cứ cách mạng Krong, chiếc xe chốc chốc lại “nhảy múa” khi băng qua mấy ổ voi, ổ gà. Thêm vào đó, ánh nắng trưa gay gắt khiến không khí trong xe càng thêm ngột ngạt. Vậy mà gương mặt của các thành viên trong đoàn vẫn tràn đầy sự lạc quan, phấn khởi dù họ đều đã ngoài 60, 70 tuổi, sức khỏe cũng chẳng còn được dẻo dai như trước.

Giữa rừng xanh Krong, dưới tán cây cổ thụ rợp bóng, dòng ký ức cứ liên tục ùa về qua câu chuyện kể của những người trong cuộc. Các địa danh từng gắn bó một thời với họ như: suối Kpưng, sông La Bà, cầu Lồ Ô, cầu Cây Sung, Trạm Giao bưu… rồi cả kỷ niệm vui buồn thời chiến cũng lần lượt được nhắc nhớ. Bà Trà Thị Xuân Hồng (71 tuổi, trú tại tổ dân phố 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) bồi hồi kể lại: “Đã là lần thứ 3 tôi quay lại nhưng cảm xúc vẫn vẹn nguyên. Ấy là giai đoạn 1968-1975, tôi là y tá của Tiểu đoàn Đặc công 408 thuộc Tỉnh đội Gia Lai, vừa phục vụ chiến đấu vừa phụ trách tải thương. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất với nơi này có lẽ là những lần hành quân về đói quá phải hái ổi, quả nái rừng ăn dù biết đường nào sau đó cũng chịu cảnh nôn ói vì say quả nái; rồi cả những bữa cơm đạm bạc chỉ với mấy con tôm, cua, cá bắt được ở sông La Bà mà mấy anh chị em trong đơn vị san sẻ cho nhau… Những hình ảnh ấy cứ hiện về như mới hôm qua”.

 

Lãnh đạo UBND xã Krong thay mặt cho người dân của xã nhận phần quà tặng từ đoàn. Ảnh: Hồng Thi
Lãnh đạo UBND xã Krong thay mặt cho người dân của xã nhận phần quà tặng từ đoàn. Ảnh: Hồng Thi

Tròn 40 năm rời Krong sau ngày giải phóng, đến bây giờ ông Dương Tấn Hưng (thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku) mới có dịp trở lại địa bàn công tác trước đây. Năm 1971, ông Hưng là nhân viên cửa hàng thương nghiệp thuộc Ban Tài mậu của tỉnh. “Ngày ấy, Ban đóng gần khu 10 còn cửa hàng tôi làm lại ở thị trấn Dân Chủ, tức trung tâm xã Krong hiện nay. Nhiệm vụ của chúng tôi khi đó là thu mua lương thực, thực phẩm phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Mấy chục năm quay lại, tôi cảm thấy cảnh vật nơi này đã thay đổi khá nhiều”-ông Hưng chia sẻ.

Cơn mưa chiều bất chợt trút nước khiến lộ trình vào xã Sơn Lang của đoàn phải hoãn lại trong sự tiếc nuối của các thành viên. Dẫu vậy, chuyến đi cũng đã để lại trong họ nhiều ý nghĩa, cảm xúc khó quên. Ông Lê Hồng Sơn-Trưởng ban Liên lạc những người tham gia hoạt động cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến tỉnh Gia Lai, cho biết: “Cả tỉnh hiện có khoảng 700 hội viên nhưng trong hành trình lần này chỉ tổ chức được cho một số hội viên ở TP. Pleiku tham gia. Đa số đều là những người nhiều năm chưa có điều kiện về thăm lại căn cứ địa xưa. Và đây chính là dịp để chúng tôi cùng trở về, ôn lại những tháng ngày sống, công tác và chiến đấu tại mảnh đất Krong lịch sử”.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.