Về Ba Tơ, ngắm thác Cao Muôn hoang sơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều bạn trẻ ưa khám phá, cho rằng về ATK Ba Tơ mà chưa đến thác Cao Muôn là chưa đến Ba Tơ (Quảng Ngãi). Có thật là như vậy?

 Bản làng đồng bào H’rê, nhà dân nằm vắt vẻo bên sườn núi
Bản làng đồng bào H’rê, nhà dân nằm vắt vẻo bên sườn núi



Thác Cao Muôn hoang sơ, nằm sâu trong đại ngàn, từng là nơi in dấu chân của Đội du kích Ba Tơ anh hùng, nơi có đồng bào dân tộc H’rê sinh sống.

Đường về Cao Muôn trên địa bàn huyện Ba Tơ bắt đầu từ Quốc lộ 24 thuộc xã Ba Thành nằm ở phía đông, cách huyện lỵ chừng 4km.

Từ đây, đi vào chừng vài trăm mét là bạn đã ở giữa làng Teng, làng dệt thổ cẩm nổi tiếng của người H’rê ở Quảng Ngãi.

Đi thêm một đoạn chừng nửa cây số đến cầu Bến Buông bắt qua sông Liêng,thượng nguồn của sông Vệ, một 4 dòng sông lớn của Quảng Ngãi.

Đứng trên cầu nhìn về hướng Tây Bắc đã thấy núi Cao Muôn cao sừng sững. Đây là một trong những dãy núi cao nhất ở Quảng Ngãi liền chân với dãy núi Ngọc Linh (Kon Tum) và những ngọn núi khác ở đồng bằng Quảng Ngãi.

Tuy vậy, để đến được thác Cao Muôn du khách còn phải đi thêm khoảng 10km nữa. Đang tháng ba Âm lịch, hoa gạo nở đỏ rực trên những con đường làng, những cánh đồng lúa chín vàng ươm lúa chín bên những xóm nhà của đồng bào dân tộc nằm vắt vẻo lưng chừng núi .


 

Cây tạc nên những hình thù khác lạ dưới thác Cao Muôn
Cây tạc nên những hình thù khác lạ dưới thác Cao Muôn



Thác Cao Muôn nằm trên cao buông lơi dòng nước bạc. Dưới chân thác là những phiến đá, nước đổ ngàn năm tạc nên những hình thù kì quái. Quanh thác có nhiều cây rừng mang nhiều dáng cổ và vô số loài dương xỉ bám trên vách đá rêu phong.

Dừng chân nơi những phiến đá bên dòng suối hơi nước mát bốc lên mát rượi xua tan nắng hè oi bức, khách sớm lấy lại sức sau chăng đường dài.

Khi đã ráo mồ hôi, du khách tha hồ vùng vẫy trong dòng nước mát, nghe tiếng chim rừng lao xao hay tiếng gáy của những con gà rừng gọi bạn đi kiếm ăn trên núi Cao Muôn.

Ở thác Cao Muôn loài cá niêng sinh sôi khá nhiều.Thức ăn của loài cá này là phù du và rong rêu nên cá khá sạch. Chúng bơi đùa trong dòng nước trong vắt có khi chạm phải chân người. Dòng suối cũng là nơi sinh sôi của loài ốc đá, cua đá lâu rồi là món ăn của đồng bào dân tộc H’rê.


 

Thác chảy hoài, chảy mãi nên những phiến đá dưới chân thác tạc nên những hình thù kỳ quái
Thác chảy hoài, chảy mãi nên những phiến đá dưới chân thác tạc nên những hình thù kỳ quái



Đồng bào dân tộc nơi đây cho rằng thác Cao Muôn là dòng thác mẹ đem nguồn nước tưới cho cánh đồng làng nên mùa nối mùa cây lúa lên xanh. Để cho dòng thác mãi tuôn trào,đồng bào luôn có ý thức bảo vệ nguồn nước, bảo nhau không được đốn chặt cây rừng.

Điều thú vị là về Cao Muôn, gặp gỡ những đồng bào dân tộc H’rê, ai cũng bảo dòng thác này từng in dấu chân của đoàn quân du kích Ba Tơ.

Thác Cao Muôn đặc biệt hoang sơ nên đến nơi này du khách đừng quên mang theo những vật dụng dành riêng cho chính mình.

Dù rằng ở nơi này, đồng bào dân tộc có con gà H’re thơm ngon, có món cá niêng nướng, cá niêng luộc chấm muối ớt, thịt trâu nướng chấm muối ớt, thịt trâu nấu xà bần để thưởng thức với món rượu cần độc đáo của người H’rê hay những nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc.


 

Thác Cao Muôn nằm dưới chân núi Cao Muôn hùng vĩ
Thác Cao Muôn nằm dưới chân núi Cao Muôn hùng vĩ


Nhưng để tất cả trở thành sản phẩm du lịch cho du khách về thăm thác còn phải đợi thời gian.

Võ Quý Cầu (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.