Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cảnh báo về việc tìm kiếm nguồn vốn cho các dự án giao thông hiện rất khó khăn. Hiện nay, khi nguồn vốn ODA ngày càng nhỏ dần, vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì việc kích thích đầu tư xã hội hóa giao thông (các mô hình BOT, BT…) sẽ được ưu tiên.
Đặc biệt, mô hình PPP (hợp tác công tư) sẽ được khuyến khích hàng đầu. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải sớm tận dụng các nguồn vốn nước ngoài khác như nguồn vốn từ Quỹ chống biến đổi khí hậu quốc tế. Đây là nguồn vốn rất lớn nhưng từ trước đến nay chúng ta chưa tận dụng được, vì thế cần phải xây dựng mô hình để kêu gọi đầu tư cho các dự án xây dựng giao thông ven biển…
Trong bối cảnh năm 2011, sẽ tiếp tục khó khăn về vốn, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành giao thông phải có kế hoạch sắp xếp vốn ưu tiên cho các dự án trọng điểm và các dự án có thể hoàn thành ngay trong năm 2011.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức, năm 2011 là năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2011-2015). Do đó, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu sản lượng vận tải hàng hóa tăng 8-10% về tấn và vận tải hành khách, tăng 9-10% về hành khách, giảm ít nhất 3% số người tử vong vì tai nạn giao thông và giảm số vụ ùn tắc giao thông kéo dài. Phấn đấu hoàn thành làm mới, nâng cấp, cải tạo hơn 800km đường bộ, xây mới 10.000m cầu đường bộ; thay ray, tà vẹt 40km đường sắt, xây mới 36.000m2 nhà ga hàng không, 600m đường cất hạ cánh...
Quyết định lấy năm 2011 là năm chất lượng công trình của ngành nên Bộ đề ra kế hoạch trong năm nay sẽ cố gắng hoàn thành, bàn giao hơn 10 dự án lớn như đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 (Pắc Bó- Cao Bằng, Mỹ An-Cao Lãnh…), Quốc lộ 2 (Đoan Hùng- Thanh Thủy giai đoạn 2), Quốc lộ 3, đường Láng- Hòa Lạc (hoàn thiện), cầu Hàng Tôm, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cầu QL 1 giai đoạn 3 (Cần Thơ- Năm Căn)…
Theo đó, Bộ đảm bảo bố trí đủ vốn để thực hiện các công trình có khả năng hoàn thành trong năm nay và năm sau, các công trình cấp bách liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông. Bộ cũng sẽ tập trung đẩy mạnh việc hoàn thiện, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng công tác tư vấn, công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng trong hoạt động khai thác, bảo trì công trình kết cấu hạ tầng giao thông...
Để có thể triển khai được kế hoạch trên, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có phương án bổ sung vốn đối ứng cho Bộ. Theo Bộ Giao thông Vận tải, do vốn đối ứng các dự án ODA theo Kế hoạch năm 2011 đã được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu (1.780 tỷ đồng kế hoạch giao/3.500 tỷ đồng nhu cầu), vì vậy khả năng đến quý 2 năm nay sẽ hết vốn.
Bộ cũng đề nghị Thủ tướng cho phép ứng trước Kế hoạch năm 2012 để Bộ thực hiện các dự án chuyển tiếp đã được Thủ tướng Chính phủ cho ứng trước kế hoạch nhưng còn đang thi công dở dang, các dự án đã hoàn thành và đã quyết toán nhưng còn thiếu vốn, các dự án mới cấp bách liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông (cầu yếu, an toàn an ninh hàng không...) chưa được bố trí kế hoạch...
Theo Báo cáo của Bộ, năm 2010, nhờ tập trung chỉ đạo tốt, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc nên kết quả thực hiện và giải ngân vốn tại các dự án xây dựng cơ bản của toàn ngành đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn về vốn trong những tháng cuối năm. Đối với vốn ngân sách, toàn ngành thực hiện được gần 11.525 tỷ đồng, đạt 199,51% kế hoạch, giải ngân gần 9.770,9 tỷ đồng, đạt trên 169% kế hoạch.
Nhiều công trình quan trọng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời phục vụ phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân như cầu Cần Thơ, Cầu Thanh Trì (gói 3 và gói 3A), cầu Pá Uôn, cầu Hàm Luông, cầu Phùng, cầu Vĩnh Tuy, Đại lộ Thăng Long…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, trong năm 2010 dịch vụ vận tải vẫn chưa được quan tâm phát triển đúng mức trên một số tuyến quốc lộ và đô thị lớn nên chưa phát huy hết hiệu quả của kết cấu hạ tầng đã được đầu tư. Ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn và tai nạn giao thông vẫn là vấn đề gây bức xúc cho xã hội.