UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo sớm dẹp bỏ "cưỡng bức" lao động voi nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
UBND tỉnh này đề nghị các sở, ngành, chính quyền các địa phương khẩn trương hoàn thành phương án, mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với voi” ngay trong năm 2022 để hướng đến việc chấm dứt dịch vụ cho du khách cưỡi loài động vật này.
Ngày 2.3, UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý thông tin phản ánh của báo chí về voi tại các huyện Lắk, Buôn Đôn bị hành hạ và đề xuất phương án đối với các dịch vụ liên quan đến loài vật này trong thời gian tới.
Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp khẩn trương hoàn thành Phương án mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với voi” ngay trong năm 2022.

Những chú voi phục vụ du lịch tại huyện Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Những chú voi phục vụ du lịch tại huyện Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Sở phải rà soát, thống kê số lượng voi nhà và hộ có voi trên địa bàn tỉnh nhằm báo cáo, đề xuất UBND tỉnh về phương án hỗ trợ kinh phí cho người dân (theo hàng tháng, quý, năm) để hạn chế tối đa và hướng tới không tổ chức dịch vụ cưỡi loài vật này phục vụ khách du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh phương án mô hình nói trên để trình UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện.

Đa số voi nhà ở Đắk Lắk đang được khai thác làm du lịch. Ảnh: Bảo Trung
Đa số voi nhà ở Đắk Lắk đang được khai thác làm du lịch. Ảnh: Bảo Trung
UBND các huyện Lắk, Buôn Đôn, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk Trung tâm bảo tồn Voi, các tổ chức, cá nhân có voi... tổ chức xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới liên quan đến voi có thu phí phục vụ khách du lịch. Ví dụ: Voi chào khách, voi tắm, vòi phun nước, cho voi ăn...
UBND huyện Buôn Đôn và huyện Lắk triển khai cho các tổ chức, cá nhân có sử dụng voi trong hoạt động kinh doanh du lịch ký cam kết và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các quy định của tỉnh trong việc quản lý và sử dụng voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch, văn hóa trên địa bàn tỉnh. 
Cá nhân sử dụng voi phải hạn chế tối đa và hướng tới không tổ chức dịch vụ cưỡi voi. 

Khách du lịch cưỡi voi tại huyện Buôn Đôn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Ảnh: Bảo Trung
Khách du lịch cưỡi voi tại huyện Buôn Đôn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Ảnh: Bảo Trung
Lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán hàng hóa, đồ lưu niệm, đồ trang sức, đồ mỹ nghệ liên quan đến động vật hoang dã, trong đó có voi... tại các cơ sở bán hàng hóa tại các khu, điểm du lịch và trên địa bàn tỉnh.
Như Lao Động đã thông tin, một du khách đến tỉnh Đắk Lắk trong dịp Tết Nguyên đán đã chia sẻ hình ảnh kèm dòng trạng thái trên Facebook khi chứng kiến những con voi nhà ở địa phương này có nhiều vết thương rỉ máu trên đầu, gần vành tai… nhưng vẫn phải chở khách.
Người này tự nhận đây là trải nghiệm tệ nhất khi đến 2 địa điểm du lịch của tỉnh Đắk Lắk và nhận về sự thất vọng.
Trung tâm Du lịch Buôn Đôn xác nhận: Chú voi này tên Khăm On, phục vụ khách đợt Tết. Đơn vị đã sơ suất, chỉ theo dõi tập tính hung dữ của voi nhà (thời kỳ động dục). Trung tâm không kiểm tra, giám sát kỹ tình hình sức khỏe của voi nên không phát hiện vài vết thương nhỏ rỉ máu trên đầu của voi, vì vậy mới dẫn đến vụ việc nói trên.
Sau khi báo chí, trang mạng xã hội đăng tin về vụ việc, trung tâm tổ chức họp với các chủ voi và nài voi cùng với các sở, ngành của tỉnh và xin nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc.
Theo BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.