(GLO)- Những năm qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương ở Gia Lai không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm tạo “cầu nối” đưa pháp luật vào cuộc sống.
Là cơ quan thường trực Hội đồng PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tích cực phổ biến những văn bản pháp luật mới ban hành, các văn bản luật thường xuyên tác động trực tiếp đến đời sống các tầng lớp nhân dân. Bà Dương Thị Thanh Hiếu-Phó Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp) cho hay: Từ đầu năm đến nay, Sở đã biên soạn 178.270 tài liệu pháp luật để cấp phát về cơ sở và được đăng tải lên trang thông tin điện tử. Sở cũng đã tổ chức 11 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 1.121 lượt tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và người làm công tác PBGDPL ở cơ sở.
“Nội dung phổ biến tập trung gồm kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hòa giải ở cơ sở với một số quy định của pháp luật liên quan đến người dân tộc thiểu số, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, phòng-chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng ngừa xâm hại trẻ em hoặc khiếu nại, tố cáo, hình sự, phòng-chống ma túy”-bà Hiếu thông tin.
Nhằm đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã thành lập đoàn khảo sát, đánh giá hiệu quả, tác động của công tác này.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tập trung triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”. Theo đó, Sở đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 244 hòa giải viên ở TP. Pleiku, huyện Chư Sê và Kbang.
Ngoài ra, đơn vị cũng đã biên soạn và phát hành 9.000 tờ gấp hướng dẫn thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên và hỗ trợ hòa giải viên khi gặp rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải. Cùng với đó, công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng được chú trọng. Qua rà soát, toàn tỉnh có 150 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 68,18%.
|
Phiên tòa giả định về tác hại của ma túy được tổ chức tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Đại úy Trần Văn Tiến-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông (Công an huyện Phú Thiện) cho biết: “Các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn hầu hết tập trung ở lứa tuổi thanh-thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để nâng cao hiệu quả trong việc tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, đơn vị đã phối hợp cùng Công an các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền cá biệt cho thanh-thiếu niên về các nội dung như: không uống rượu bia khi tham gia giao thông, không chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe… Không những vậy, đơn vị cũng lồng ghép nhiều hoạt động an sinh xã hội với các buổi tuyên truyền pháp luật ở thôn, làng”.
Chị Trần Thị Thúy Vân-Bí thư Chi Đoàn Tòa án nhân dân TP. Pleiku-chia sẻ: “Đối tượng vi phạm pháp luật đang có xu hướng trẻ hóa. Do đó, Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an TP. Pleiku đã thống nhất phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp đến thanh-thiếu niên. 3 đơn vị phối hợp cùng các trường học tổ chức luân phiên nhiều phiên tòa giả định được lấy từ những vụ án liên quan đến bạo lực học đường, ma túy, an toàn giao thông… Đây là một trong những hoạt động được đánh giá cao bởi tính thiết thực, sinh động”.
Theo bà Lê Thị Ngọc Lam-Giám đốc Sở Tư pháp, thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai các mô hình hiệu quả trong công tác PBGDPL như: Ban Dân tộc có “Mô hình điểm tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn” nhằm PBGDPL cho trưởng thôn, già làng, người uy tín, người dân tộc thiểu số tiêu biểu ở xã; Tỉnh Đoàn duy trì hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Tư vấn pháp luật”, “Thắp sáng niềm tin”, đội “Tuyên truyền xung kích thanh niên”, đội “Thanh niên tình nguyện tư vấn pháp lý”; huyện Kông Chro có mô hình “Làng tự quản và chốt an ninh”...
“Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPLvà nghiên cứu, áp dụng các hình thức PBGDPL mới cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp và phát huy vai trò của cơ quan truyền thông trong công tác PBGDPL”-bà Lam nhấn mạnh.
LÊ VĂN NGỌC