Tuyển sinh vào lớp 1 ở Pleiku: Phấn đấu công bằng, khách quan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngay khi kết thúc năm học 2019-2020, các trường tiểu học ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã nhanh chóng triển khai tuyển sinh đầu cấp cho năm học mới. Hiện các trường bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh theo đúng chủ trương của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) là chính xác, công bằng, phân tuyến và chỉ tiêu hợp lý.
Theo đó, các trường tổ chức nhận hồ sơ nhập học từ ngày 27-7 đến 31-7. Giáo viên các trường đã thông báo kế hoạch, hướng dẫn chi tiết đến từng thôn, làng, tổ dân phố, trường mầm non… trên địa bàn nhằm giúp phụ huynh nắm được hình thức tuyển sinh, kịp thời đăng ký, nộp hồ sơ cho con em mình.
Tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn), ngay từ ngày đầu nhận hồ sơ nhập học, rất đông phụ huynh đã đến đăng ký. Cầm trên tay bộ hồ sơ nhập học mới nhận từ văn phòng nhà trường, chị Ngô Thị Ngân (tổ 3, phường Tây Sơn) liền ghi thông tin của con mình để nộp cho kịp thời gian quy định. “Mình muốn con học trường công lập vì chi phí thấp và gần nhà. Tuy con học đúng tuyến nhưng vì sợ hết chỉ tiêu nên mình vẫn đến sớm để làm hồ sơ nhập học”-chị Ngân chia sẻ.
 Phụ huynh nộp hồ sơ nhập học cho con tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: NGỌC THU
Phụ huynh nộp hồ sơ nhập học cho con tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Ngọc Thu
Thầy Lê Văn Phương-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An-thông tin: “Ngay từ đầu năm học 2019-2020, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức điều tra số trẻ em ở từng độ tuổi đi học trên địa bàn phường nhằm nắm số liệu chính xác để phân tuyến học sinh. Năm học 2020-2021, nhà trường được giao chỉ tiêu 240 học sinh thuộc tuyến tuyển sinh. Tuy nhiên, do trường nằm ở vị trí trung tâm, nhiều phụ huynh muốn con em được học ở những cơ sở có điều kiện nên đã xin nhập hộ khẩu vào địa bàn phường, tạo áp lực lớn đối với trường trong công tác tuyển sinh. Dù vậy, nhà trường vẫn sẽ tuyển sinh theo đúng quy định, đảm bảo sĩ số để nâng cao chất lượng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Nếu như không khí tuyển sinh đầu cấp tại các trường tiểu học ở khu vực trung tâm TP. Pleiku khá nhộn nhịp thì các trường vùng ngoại thành mới chỉ có một vài phụ huynh đến nộp hồ sơ đăng ký nhập học cho con em. Đứng chân trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân còn hạn chế nên Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á) đã sớm xây dựng kế hoạch tuyển sinh và tuyên truyền đến các gia đình có con em trong độ tuổi vào lớp 1.
Thầy Nguyễn Xuân Trường-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Năm học mới 2020-2021, nhà trường tuyển sinh 160 học sinh lớp 1, biên chế thành 5 lớp. Để đảm bảo sĩ số, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương xuống các thôn, làng thông báo kế hoạch tuyển sinh, nộp hồ sơ, vận động học sinh ra lớp. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp phụ huynh đến đăng ký làm hồ sơ nhập học cho con em mình rất trễ. Vì vậy, nhà trường sẽ nỗ lực vận động, tạo điều kiện thuận lợi để phụ huynh đưa con em ra lớp đúng theo kế hoạch”.
Ảnh: NGỌC THU
Chị H’Hội (làng Mơ Nú, xã Chư Á, TP. Pleiku) đã đến Trường Tiểu học Lê Lai để làm hồ sơ cho con nhập học vào lớp 1 đúng thời gian quy định. Ảnh: Ngọc Thu
Đến Trường Tiểu học Lê Lai để làm hồ sơ nhập học cho con, chị H’Hội (làng Mơ Nú) cho hay: “Ở làng mình, mọi người đều bận đi làm nên không có thời gian để đi làm hồ sơ. Năm nay, mình được nhà trường thông báo, trưởng thôn thường xuyên vận động nên tranh thủ đi làm hồ sơ nhập học cho con theo đúng quy định”.
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT TP. Pleiku, năm học 2020-2021, thành phố dự kiến tiếp nhận gần 5.500 học sinh lớp 1 vào 32 trường. Để việc tuyển sinh được thực hiện nghiêm túc, Phòng đã duyệt kế hoạch tuyển sinh và giao chỉ tiêu cho các trường. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo theo phương châm: Trường ở xã, phường nào thì tuyển sinh tất cả học sinh tại địa bàn đó.
Ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-cho biết: “Phòng đã chỉ đạo các trường học phải công khai chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh và tiếp nhận học sinh trên địa bàn dân cư. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đến các thôn, làng, tổ dân phố về công tác tuyển sinh ở từng độ tuổi để phụ huynh hiểu rõ tuyến tuyển sinh, hình thức và thời gian tuyển sinh. Trường hợp số học sinh đăng ký tại trường vượt quá khả năng tiếp nhận, nhà trường sẽ ưu tiên tiếp nhận trẻ thuộc tuyến tuyển sinh được giao. Mặt khác, vận động phụ huynh đăng ký nhập học cho con em mình tại các trường tư thục, các trường trên địa bàn lân cận đang có nhu cầu tuyển sinh. Đặc biệt, các trường phải thực hiện nghiêm túc quy định, quy trình tuyển sinh và hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, nhất là ở các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao”.
Cũng theo ông Thức, trong quá trình tuyển sinh, số lượng học sinh phải được cập nhật hàng ngày và niêm yết công khai nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan theo đúng quy định, chủ trương của ngành GD-ĐT. 
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.