Tuy trẻ nhưng họ giữ những vị trí mà nhiều bạn trẻ khác phải mơ ước. Nhiệt huyết với công việc, tư duy nhạy bén với quan điểm rõ ràng, đồng thời, họ cũng chọn cho mình lối sống giản dị.
Giản dị là cuộc sống
Krung Dam Đoàn |
Bước vào tuổi 30 và hiện là Trưởng phòng Tổ chức- Hành chính của Văn phòng HĐND tỉnh (Gia Lai), công việc hàng ngày của Đoàn không có gì để kể như lời anh nói, nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo. Trong túi áo của Đoàn không khi nào thiếu cuốn sổ tay: “Phải có phương pháp làm việc, nếu không mọi thứ sẽ rối tung lên. Tôi đánh dấu vào sổ những việc đã làm rồi, chưa làm được, việc nào cần làm trước…. Bằng cách này, tôi ít khi bỏ sót công việc”- Đoàn nói.
“Nhiều bạn trẻ thường nghĩ phải làm những việc to tát mà không chú ý đến việc nhỏ xung quanh. Suy nghĩ của tôi giản dị lắm, ngày nào tôi hoàn thành tốt công việc ở cơ quan, không để sai sót là thấy vui. Điều tôi thấy khó nhất là làm một người chồng, người cha trách nhiệm với gia đình, người con hiếu thảo với bố mẹ”- Đoàn nói và cười vang. Theo anh, giữa nhiều mối quan hệ công việc, bạn bè, dành thời gian chăm sóc gia đình là điều không dễ: “Gánh nặng gia đình không thể đổ hết cho vợ nhưng không phải khi nào cũng đủ bản lĩnh nói không với những lời mời nhậu, bi da, cà phê. Còn cha mẹ chẳng cần mình phải báo đáp, chỉ cần sắp xếp thời gian về thăm thôi mà cũng khó làm được”.
Lê Thị Phương Thủy |
Thủy cho rằng, tuổi trẻ thường nóng vội. Giữ được bình tĩnh để giải quyết công việc đòi hỏi phải có sự rèn luyện. Phương pháp của Thủy là từ tốn trong ứng xử: “Thay vì đối đầu thì tôi đối thoại, lắng nghe, tranh thủ kinh nghiệm của người đi trước”.
Sống trách nhiệm
Tỷ phú trẻ Nguyễn Văn Tâm- Ia Blang (huyện Chư Sê) từng từ bỏ ước mơ vào giảng đường Đại học Giao thông- Vận tải để lập nghiệp từ nghề nông và sớm trở thành tỷ phú nông dân. Cô gái tật nguyền Lê Thị Bích Liễu- xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah vượt qua hoàn cảnh khó khăn lẫn nỗi vất vả từng ngày đến trường để tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc… Đó là những minh chứng cho thế hệ biết vượt lên số phận và sống có trách nhiệm.
Nhiều bạn trẻ Gia Lai sau khi du học trở về nỗ lực vận động các bạn trẻ Việt Nam có điều kiện đang du học ở nước ngoài đóng góp giúp đỡ các em nhỏ mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh, trại trẻ mồ côi ở làng Ngol, phường Trà Bá, học sinh nghèo của xã Ayun- xã nghèo nhất huyện Chư Sê… Krung Dam Đoàn, ngay từ khi ngồi trên giảng đường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã không ít trăn trở khi đồng bào các dân tộc Gia Lai do đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế đã bị kẻ xấu xúi giục, gây bạo loạn làm mất đi sự bình yên vốn có trong các buôn làng. Anh thực hiện đề tài “Chuyển nền nông ngiệp nương rẫy sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa trong các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai”, phân tích nguyên nhân xảy ra bạo loạn dưới góc độ kinh tế. Đề tài của Đoàn được giải khuyến khích Giải thưởng Ơrêca TP. Hồ Chí Minh…
Đề cao trách nhiệm với cuộc sống, dễ hiểu vì sao những bạn trẻ này có nhiều trăn trở đến vậy. “Tôi mong tỉnh có cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng hơn để thu hút nguồn lực rất lớn từ bên ngoài, giúp đồng bào các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng của tỉnh bớt khó khăn”-Minh, một bạn trẻ vừa du học trở về, bộc bạch. Đó cũng là mối quan tâm của Krung Dăm Đoàn: “Thu hút cán bộ có chuyên môn, trình độ cao về Gia Lai công tác rất khó trong xu thế hiện nay. Tác động của kinh tế quá lớn. Chúng tôi mong tỉnh có chính sách đãi ngộ phù hợp để bạn trẻ yên tâm cống hiến”.
Nói vậy nhưng theo Đoàn, đã là thanh niên, trước hết phải sống và làm việc bằng lòng nhiệt huyết, vô tư: “Không nói gì cao xa, đối với thanh niên công chức, đi làm đúng giờ, chịu khó học tập nâng cao trình độ, năng lực, nghiên cứu kỹ các văn bản để tham mưu cho lãnh đạo chính xác, hợp lý là đã thể hiện trách nhiệm với cuộc sống. Bên cạnh đó, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phải thực chất, biến thành việc làm cụ thể. Đó chính là cách để mỗi người trẻ góp sức mình vào sự phát triển chung của tỉnh”.
Hoàng Ngọc