Tu Mơ Rông: Tập trung khắc phục hậu quả bão lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù đã có sự chủ động các biện pháp phòng chống, nhưng trước sự tàn phá của thiên tai, Tu Mơ Rông là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn bão số 5 so với các địa phương khác trong tỉnh. Để khắc phục hậu quả, chính quyền huyện đang huy động các lực lượng khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục, ổn định cuộc sống của người dân.
Ảnh hưởng của cơn bão số 5, trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Tu Mơ Rông nói riêng có mưa lớn kéo dài khiến lũ từ trên thượng nguồn đổ về nhanh, mạnh gây hư hỏng một số công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, cũng như tài sản, hoa màu của người dân và đặc biệt, mưa lũ cuốn trôi làm một người tử vong.
Tại xã Đăk Tờ Kan, mưa làm sạt lở ta luy âm 15m tuyến đường liên thôn Tê Xô Ngoài đi Tê Xô Trong, nguy cơ sụt gãy nền đường; cuốn trôi một chiếc cầu treo tạm thôn Đăk HNăng; trôi 40m đoạn đường bê tông, đi thôn Tê Xô Trong, làm cô lập thôn Tê Xô Trong và cuốn trôi hoàn toàn ngầm dưới cầu treo thôn Tê Xô Trong.
Mưa lũ cũng làm đường đi khu sản xuất thôn Đăk Plò, xã Đăk Rơ Ông bị sạt lở taluy âm khoảng 50m3 đất. Tại xã Đăk Sao, mưa lũ làm sập một phần cầu tràn Năng Nhỏ 1, Tỉnh lộ 678; sập đầu cầu từ thôn Kạch Nhỏ đi qua Năng Nhỏ 2, phương tiện không lưu thông được; sạt lở 2 điểm đường đi khu sản xuất thôn Đăk Giá và cuốn trôi hoàn toàn cầu treo dân sinh tại thôn Kạch Lớn 2.
Tại xã Đăk Na, mưa làm sạt lở mố đầu ngầm tràn thôn Ba Ham - Long Tun 2  và sạt lở 1/2 nền đường qua ngầm Đất Tỏ thôn Đăk Rê 2.
Tại xã Đăk Hà, tuyến đường đi 4 xã phía Tây bị sạt lở khoảng 60m3 đất, nền đường bê tông bị xói mòn, tạo thành hầm ếch khoảng 35m2; sạt lở, xói mòn 7,8m2 nền đường bê tông trước nhà máy nước sạch Khu trung tâm huyện.

Sửa chữa hư hỏng ngầm trên TL678. Ảnh: VP
Sửa chữa hư hỏng ngầm trên TL678. Ảnh: VP
Về nông nghiệp, mưa bão làm hơn 5ha lúa nước của 10 hộ dân ở thôn Đăk HNăng, 6 hộ ở thôn Đăk Trăng và 3 hộ thôn Đăk Prông bị ngập và cuốn trôi; làm vỡ ao cá của 3 hộ ở xã Đăk Tờ Kan. Mưa lũ cũng làm gần 2 sào lúa của 6 hộ dân ở thôn Kạch Nhỏ, Kạch Lớn 2, Năng Lớn 2 (xã Đăk Sao) bị ngập nước, cuốn trôi và sạt lở, cuốn trôi 1,3ha lúa ruộng của người dân thôn Mô Pành và Kon Hia 3 (xã Đăk Rơ Ông).
Mưa bão cũng làm hư hại một số công trình thủy lợi trên địa bàn như hư hỏng đập đầu mối công trình thủy lợi Măng Tá (xã Măng Ri); hư hỏng hoàn toàn cụm đầu mối Thủy lợi thôn Tê Xô Trong (xã Đăk Tờ Kan) và làm gãy, trôi kênh bê tông và ống dẫn (khoảng hơn 100m) Thủy lợi Đăk Né 2, 3 ở xã Đăk Sao…
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông đã trực tiếp về các xã nắm tình hình thực tế và chỉ đạo các xã huy động, phân công lực lượng xung kích chốt gác để cảnh báo không cho người dân qua lại tại các vị trí có nước ngập tràn qua đường (trong lúc mưa bão). Đồng thời, yêu cầu các xã huy động lực lượng tại chỗ xuống hỗ trợ giúp các hộ dân sửa sang lại nhà cửa hư hỏng, khắc phục tạm các tuyến đường cho các phương tiện lưu thông. Bên cạnh đó, huyện tổ chức thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình có người bị nước lũ cuốn tử vong, hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống và triển khai khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các khu vực nguy hiểm, dễ sạt lở đất…

Thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ gia đình có người bị nước lũ cuốn trôi tử vong. Ảnh: VP
Thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ gia đình có người bị nước lũ cuốn trôi tử vong. Ảnh: VP
Là một trong những địa phương của huyện bị thiệt hại nặng nhất trong cơn bão số 5, chính quyền xã Đăk Tờ Kan đang khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra. Ông Hoàng Xuân Thắng- Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan cho biết: Cùng với việc huy động lực lượng triển khai các biện pháp khắc phục các công trình khác thì xã đã vận động nhân dân, lực lượng tại chỗ mượn máy móc các đơn vị trên địa bàn mở một đoạn đường tạm (khu vực đường bị sập, cuốn trôi) để phục vụ đi lại của người dân thôn Tê Xô Trong…
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Ngoài việc huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục tạm các tuyến giao thông, thủy lợi hư hỏng nhẹ, thì huyện phối hợp với Sở GTVT huy động máy móc hốt dọn các điểm sạt lở ta luy dương trên các Tỉnh lộ, Quốc lộ 40B; sửa chữa hư hỏng cầu tràn Năng Nhỏ 1 trên Tỉnh lộ 678 cho các phương tiện lưu thông. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã và BCĐ PCTT&TKCN xã thường xuyên xuống thôn, làng để kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra trên địa bàn; vận động, tuyên truyền người dân không được ra gần sông suối, cầu cống và các điểm xung yếu khi có mưa bão để bảo đảm an toàn tính mạng…
“Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo các xã sử dụng nguồn tại chỗ, huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và vận động nhân dân cùng tham gia khắc phục tạm các công trình bị hư hỏng nhẹ để phục vụ đi lại và sản xuất. Các công trình hư hỏng nặng, tiến hành đo đạc, thống kê thiệt hại đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để khắc phục. Sau đó, tổ chức rút kinh nghiệm đánh giá thiệt hại, xây dựng phương án khắc phục tối ưu, lâu dài…”- ông Mạnh cho biết.    
Văn Phương (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm