Tu Mơ Rông: Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xác định phát triển du lịch là hướng đi vừa bảo tồn, gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, tôn vinh cảnh quan đẹp vừa góp phần thay đổi diện mạo ở từng thôn làng, nâng cao đời sống người dân, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về cảnh quan đẹp, hoang sơ, có nhiều loại dược liệu quý, có các di tích lịch sử cách mạng và đồng bào Xơ Đăng còn lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu, huyện Tu Mơ Rông đã xác định tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu, du lịch văn hóa lịch sử.

Huyện thường xuyên khảo sát, đánh giá tiềm năng tại một số điểm du lịch; đồng thời, chỉ đạo UBND các xã đưa các điểm du lịch vào quy hoạch nông thôn mới của xã để thực hiện phát triển du lịch, phục vụ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các sản phẩm truyền thống đáp ứng việc phát triển du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, đã xây dựng hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận các điểm du lịch như: Điểm du lịch cộng đồng thôn Pu Tá, xã Măng Ri; điểm du lịch Khu Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Măng Ri; điểm du lịch thác Đa Tầng tại xã Tê Xăng; điểm du lịch thác Siu Puông, xã Đăk Na.

Du khách thích thú với trải nghiệm tại vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: P.N

Du khách thích thú với trải nghiệm tại vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: P.N

Để tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch, huyện đã tổ chức 2 phiên chợ sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; quảng bá, mời gọi, thu hút đầu tư và tạo các điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp vào khảo sát, thực hiện các dự án đầu tư khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn. “Qua 2 lần tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh, huyện đã lồng ghép và triển khai rất nhiều hoạt động mang thông điệp về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện với trục xoay là rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch, thu hút trên 8.000 lượt khách tham quan, mua sắm và trải nghiệm”- ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.

Với đặc thù là huyện nghèo, hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, huyện đã rất cố gắng để phát triển hạ tầng và các dịch vụ du lịch. Trong điều kiện dịch vụ lưu trú ít (trên địa bàn mới chỉ có 1 nhà nghỉ và nhà lưu trú công vụ), huyện đã làm việc với một hộ dân để sắp xếp, tạo điều kiện các đoàn khách nghỉ lại, trải nghiệm sinh hoạt ở các nhà dân trong thôn, xã. Tại các điểm du lịch như ở thôn Pu Tá (xã Măng Ri), thôn Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông), thôn Ba Khen (xã Văn Xuôi), thôn Lê Văng (xã Đăk Na) đã thành lập các tổ đón tiếp, phục vụ du khách và được cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập huấn, đào tạo kỹ năng hướng dẫn, đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Các hợp tác xã như Hợp tác du lịch và dược liệu xanh Siu Puông, Hợp tác xã du lịch dược liệu H80, Hợp tác xã Toong Xăng Xanh đã có sự kết nối tour, tuyến du lịch với các đơn vị lữ hành.

Bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông gìn giữ, phát huy bản sắc, thu hút khách du lịch. Ảnh: PN

Bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông gìn giữ, phát huy bản sắc, thu hút khách du lịch. Ảnh: PN

Theo ông Võ Nguyên Sinh- Giám đốc Hợp tác xã du lịch và dược liệu xanh Siu Puông, Hợp tác xã hiện có 43 thành viên, trong đó 40 thành viên là người dân tại địa phương với ngành nghề kinh doanh chính là dược liệu và du lịch. Khai thác các tiềm năng, lợi thế, Hợp tác xã xác định phát triển du lịch theo hướng du lịch chinh phục các ngọn núi cao, các thác nước hùng vĩ; du lịch nghiên cứu đa dạng sinh học; du lịch khám phá văn hoá; du lịch sâm Ngọc Linh và sức khoẻ. Trong năm 2022 và đầu năm 2023, Hợp tác xã đã đón khoảng hơn 200 lượt khách, tổ chức được hơn 15 tour trải nghiệm khác nhau.

Trên địa bàn huyện hiện đã xây dựng được 4 cơ sở ăn uống và một số nhà dân phục vụ nhu cầu cho khách du lịch. Đặc biệt, các món ăn truyền thống đặc trưng của dân tộc Xơ Đăng đã được các điểm du lịch khai thác hiệu quả vào thực đơn phục vụ du khách. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã có 23 sản phẩm OCOP đạt từ 3- 4 sao cấp tỉnh, cũng đã được khai thác trở thành sản phẩm đặc trưng cho du khách tham quan, mua sắm khi có nhu cầu.

Với nhiều giải pháp được triển khai, huyện Tu Mơ Rông từng bước khai thác được các tiềm năng, lợi thế. Các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu, du lịch văn hóa- lịch sử đã dần được định hình. Đặc biệt, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu là loại hình du lịch riêng có của Tu Mơ Rông đã tạo được dấu ấn với du khách. Đã có hơn 1.000 lượt du khách đến từ các công ty lữ hành, các đoàn caravan và hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố đã đến tìm hiểu, tham quan. Các loại hình du lịch, các điểm đến của Tu Mơ Rông bước đầu đã tạo được ấn tượng, thu hút du khách và qua đó góp phần tích cực vào việc thay đổi nhận thức, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm