Tự hào tham gia ngày hội non sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, cả nước đang hướng về sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Gác lại công việc riêng, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, trong đó có những nữ quân nhân ở Gia Lai đang miệt mài tập luyện sẵn sàng cho sự kiện chính trị quan trọng, góp phần vào thành công của ngày hội non sông.

Miệt mài tập luyện

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có 2 nữ quân nhân vinh dự được chọn tập trung huấn luyện và tham gia diễu binh khối nữ sĩ quan quân y. Đó là Thiếu úy Quân nhân chuyên nghiệp Trần Lâm Anh-Nhân viên Ban Tài chính (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) và Trung úy Nguyễn Lê Phương Linh-Nhân viên phiên dịch ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Cả 2 bắt đầu tập trung, huấn luyện cơ bản tại Trung tâm Huấn luyện Quân khu 1 đóng tại tỉnh Thái Nguyên từ tháng 12-2024; sau đó cơ động xuống Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội) để huấn luyện tập trung và hợp luyện cụm số 1.

“Tháng 12, khí hậu miền Bắc rất lạnh. Có những hôm, nhiệt độ ngoài trời chỉ 7 độ C, sương mù dày đặc, mặc đến mấy chiếc áo vẫn thấy lạnh run người”-Thiếu úy Lâm Anh chia sẻ về quá trình huấn luyện.

1a-9913.jpg
Trung úy Nguyễn Lê Phương Linh (thứ 2 từ phải sang) và Thiếu úy Trần Lâm Anh (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ quân nhân lực lượng Bộ đội Biên phòng tham gia luyện tập (ảnh nhân vật cung cấp).

Năm 2024, Thiếu úy Lâm Anh vinh dự được chọn tham gia huấn luyện diễu binh, diễu hành chuẩn bị lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12). Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng huấn luyện, Bộ Quốc phòng thông báo không tổ chức diễu binh, diễu hành để tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Khoảng thời gian ấy giúp Thiếu úy Lâm Anh có thêm kinh nghiệm trong việc thực hành các yếu lĩnh động tác, nhất là việc ke tay, ke chân để đi đúng, đi đều.

“Trước khi luyện tập hiệp đồng thống nhất động tác trong khối (100 người), mỗi cá nhân phải luyện tập từ cơ bản đến nâng cao. Sau đó, tập đội hình đi theo từng tổ, từng hàng đảm bảo đúng yêu cầu; khi hợp luyện theo đội hình khối tiếp tục canh chỉnh, so hàng dọc, hàng ngang, hàng chéo sao cho đúng, đều, đẹp”-Thiếu úy Lâm Anh kể. Tuy vất vả song Thiếu úy Lâm Anh luôn xem đây là vinh dự và may mắn vì không phải ai cũng có cơ hội tham gia.

Cũng như đồng đội của mình, Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Lê Phương Linh cũng có kinh nghiệm trong thời gian tập luyện cho sự kiện diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, ở sự kiện lần này, giai đoạn hợp luyện với cường độ luyện tập cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến đôi chân của chị đau buốt, nhức mỏi.

“Mỗi người đều gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình huấn luyện, hợp luyện nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng. Vì chúng tôi hiểu rằng đây không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là niềm vinh dự, tự hào của cá nhân, đơn vị. Chúng tôi trân quý khoảng thời gian này, giữ vững tinh thần tập luyện để quá trình di chuyển, ánh mắt, cử chỉ đều toát lên vẻ rắn rỏi, bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ”-Trung úy Linh cho hay.

Trong khi đó, Thiếu úy Quân nhân chuyên nghiệp Phạm Thị Thùy Dung (Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) là nữ quân nhân duy nhất của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được chọn tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thiếu úy Dung tham gia khối nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn, tập trung luyện tập tại Quân khu 7 từ tháng 12-2024 đến nay. Chia sẻ về quá trình tập luyện, Thiếu úy Dung cho biết: Thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp nên chị bị sốt mấy ngày liền. Cường độ luyện tập cao cũng khiến cơ thể căng cứng, mệt mỏi. Để rèn sức bền, các nữ chiến sĩ trong khối được trang bị thêm tạ chân và thỉnh thoảng huấn luyện bổ sung ban đêm để hoàn thiện kỹ thuật. Theo Thiếu úy Dung, việc đeo tạ vào chân giúp rèn thể lực, tăng cơ chân và độ bền của bàn chân. Khi tháo tạ, bước đi nhẹ và đều nhịp.

2add.jpg
Thiếu úy Phạm Thị Thùy Dung được chọn tham gia khối nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn (ảnh nhân vật cung cấp).

Vinh dự, tự hào

Chia sẻ về niềm vui khi được gặp Đại tướng Phan Văn Giang-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu úy Lâm Anh tâm sự: “Kết thúc giai đoạn 2, chúng tôi được thông báo Bộ trưởng Phan Văn Giang trực tiếp kiểm tra hợp luyện lực lượng diễu binh, diễu hành tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4.

Ban đầu, chúng tôi có chút hồi hộp, lo lắng. Nhờ tập luyện, hợp luyện kỹ nên chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, được các thủ trưởng biểu dương. Đặc biệt, Bộ trưởng trực tiếp thăm hỏi, động viên giúp chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục cố gắng”.

33.jpg
Thiếu úy Lâm Anh (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng nữ quân nhân khối quân nhạc (ảnh nhân vật cung cấp).

Tối 3-4, hàng ngàn quân nhân thuộc các khối diễu binh, diễu hành đã lên tàu từ ga Hà Nội cơ động vào miền Nam để hội quân, tiếp tục hợp luyện chuẩn bị cho lễ kỷ niệm. Lần đầu di chuyển bằng tàu hỏa với hành trình từ Bắc vào Nam khiến cả Thiếu úy Lâm Anh và Trung úy Linh không khỏi phấn khích. Cả 2 đều xúc động khi đón nhận tình cảm, sự yêu thương mà người dân địa phương dành tặng cho bộ đội ở mỗi ga mà đoàn tàu dừng nghỉ.

“Nhiều người chờ đón chúng tôi ở mỗi ga. Họ nhìn chúng tôi trìu mến, nắm tay thật chặt và trao cho chúng tôi từng chai nước, chiếc bánh. Hình ảnh ấy thật sự rất xúc động”-Trung úy Linh bộc bạch.

Còn với Thiếu úy Dung, ấn tượng trong quá trình tham gia tập luyện tại Quân khu 7 là tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm của từng thành viên trong khối. “Cũng như mọi người, tôi vô cùng háo hức, chờ đợi đến ngày hội lớn của đất nước. Với niềm vinh dự, tự hào mà bản thân có được, tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cùng đồng đội góp phần vào thành công của lễ diễu binh, diễu hành mừng 50 năm đất nước thống nhất”-Thiếu úy Dung chia sẻ.

Diễu binh, diễu hành là hoạt động quan trọng trong lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hiện các lực lượng trong khối diễu binh, diễu hành trên cả nước đã hội quân và đang bước vào giai đoạn hợp luyện cuối cùng. Khó khăn, vất vả phía trước còn nhiều, nhưng ai nấy đều thể hiện quyết tâm, niềm tự hào khi được tham gia sự kiện có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tri ân sâu sắc với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc để hôm nay đất nước bước tiếp vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Có thể bạn quan tâm

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Báo chí quốc tế viết về đại lễ 50 năm giải phóng miền Nam

Báo chí quốc tế viết về đại lễ 50 năm giải phóng miền Nam

Sự kiện Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được rất nhiều báo chí quốc tế đưa tin đậm nét trong những ngày vừa qua, với điểm nhấn là không khí lễ hội hân hoan cũng như những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được trong những năm qua.

Cảm xúc trào dâng trong ngày đại thắng

Cảm xúc trào dâng trong ngày đại thắng

(GLO)- 50 năm đã đi qua, song đại thắng mùa xuân năm 1975, thời khắc Sài Gòn giải phóng lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 mãi mãi là cột mốc chói lọi trong lịch sử chống xâm lược, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: độc lập, thống nhất, hòa bình, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

(GLO)- Nửa thế kỷ hòa bình thống nhất là nửa thế kỷ xây dựng lại non sông từ vỡ vụn chiến tranh. Vượt qua những trở lực từ bên ngoài, dám nhìn nhận những sai lầm nội tại, chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu mà 40 năm trước, nhiều người không thể hình dung.

Tự hào là người Việt Nam

Tự hào là người Việt Nam

(GLO)- Càng đến gần lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), không khí trên khắp mọi miền Tổ quốc lại càng thêm rộn ràng, náo nhiệt. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Gương mặt mỗi người con đất Việt cũng ánh lên niềm tự hào.