Người vẽ bản đồ tác chiến trận Xuân Lộc lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cựu binh Đàm Duy Thiên, chiến sĩ không có tiếng súng vang dội, nhưng lại là một phần không thể thiếu trong trận chiến Xuân Lộc với tấm bản đồ tác chiến lịch sử.

Sau những thất bại thảm khốc ở Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và miền Đông Nam Bộ, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa buộc phải "tử thủ" Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc chiến sinh tử. Địch dựng lên một tuyến phòng thủ vững chắc, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc được xem là “mắt xích sống còn” – mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.

Để bảo vệ Xuân Lộc, địch tập trung một lực lượng khổng lồ, gồm 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh (khoảng 12.000 lính) và hầu hết xe tăng ở vùng 3 chiến thuật (300 chiếc, chưa kể máy bay chiến đấu)…Để giải phóng Sài Gòn, ta phải đánh bật tuyến phòng thủ này.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu căng thẳng, ác liệt, quân ta đã đập tan bức tường thép tưởng chừng bất khả xâm phạm của địch, mở ra cánh cửa phía Đông để lực lượng ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Nói về chiến thắng vẻ vang ở Xuân Lộc, không thể không nhắc tới Đàm Duy Thiên - người vẽ bản đồ tác chiến, giúp quân ta nắm chắc chiến trường, đưa ra những quyết định chính xác.

“Cậu lính út”

Lật lại ký ức thời hoa lửa, hồi đó ông còn là cậu thiếu niên 16 tuổi, đang theo học THPT với ước mơ trở thành bác sĩ. Thế nhưng, với lòng yêu nước, ông gác lại ước mơ dang dở, viết đơn xung phong nhập ngũ. Ông được bổ sung vào Trung đoàn 266 (thuộc Sư đoàn 341, Quân đoàn 4) và trở thành “cậu lính út” vì nhỏ tuổi nhất đơn vị.

nguoi-ve.jpg
Cựu binh Đàm Duy Thiên.

Vừa vào quân ngũ, cậu em út đã được các anh khen có năng khiếu hội họa khi thích vẽ sau giờ giải lao. Không để tài năng nào lãng phí, cấp trên bắt đầu để ý, giao cho ông nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến huấn luyện.

Các lần huấn luyện tại Trung đoàn 266, ông đều được phân vẽ bản đồ. Để vẽ được bản đồ chính xác nhất, ông phải cập nhật thông tin từ các bộ phận tham mưu, trinh sát, quân báo, dưới sự hướng dẫn của chỉ huy.

Năm 1974, ông cùng đồng đội tập trung cao độ cho huấn luyện, sẵn sàng vào miền Nam chiến đấu. Đến đầu năm 1975, trong đội hình của Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 hành quân vào mặt trận B2 (Đông Nam Bộ), tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn.

Để giải phóng Sài Gòn, Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ tấn công Xuân Lộc - nơi được ví như "cánh cửa thép" cuối cùng để tiến vào Sài Gòn. Và “cậu lính út” Duy Thiên khi đó được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến trận đánh Xuân Lộc.

Bản đồ tác chiến trận Xuân Lộc

Dù nhiều lần cầm bút vẽ bản đồ tác chiến trong huấn luyện, nhưng nhiệm vụ ở trận chiến Xuân Lộc vẫn khiến chàng thanh niên 18 tuổi không khỏi lo lắng, căng thẳng. Bởi bản đồ ấy, tưởng chừng là một nhiệm vụ nhỏ, nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng chiến lược cho quân ta.

2nguoi-ve.jpg
Bản đồ tác chiến trận đánh Xuân Lộc.

Ngày ấy, không có máy móc hiện đại hay bản đồ chi tiết, chỉ có những tờ giấy trắng, bút chì và những thông tin thu thập được từ trinh sát, từ những chiến sĩ đang chiến đấu trên mặt trận. Không có thời gian để học cách vẽ bản đồ chuyên nghiệp, cũng không có nhiều công cụ hỗ trợ, nhưng ông vẫn làm, làm với tất cả khả năng sự tận tâm của mình.

Trước khi diễn ra trận chiến, mỗi ngày, ông đều nhận được thông tin về địa bàn và địch từ các trinh sát gửi về. Để vẽ được tấm bản đồ tác chiến, ông phải thu thập, quan sát và vận dụng trí nhớ để kết nối mọi dữ liệu. Chỉ huy nói đến đâu, phải ghi chép ngay đến đó.

“Ngày đó tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là phải làm sao để bản đồ ấy chính xác nhất, kịp thời nhất, vì biết bao sinh mạng của đồng đội đang phụ thuộc vào nó”, ông nói.

Những ngày tháng đó thật sự gian khổ, chiến sĩ Đàm Duy Thiên không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi.

Dưới hầm, ông thu thập thông tin từ các bộ phận tham mưu, trinh sát, tình báo, biệt động rồi vẽ lại trên bản đồ từng chi tiết một cách tỉ mỉ. Mỗi con đường, mỗi ngọn đồi, mỗi vị trí quân địch đều phải được xác định một cách chính xác.

"Những đêm thức trắng, tôi phải làm việc đến sáng. Có những hôm mắt tôi mờ đi vì thiếu ngủ, tay run rẩy vì mệt mỏi. Nhưng tôi không thể bỏ cuộc, vì bản đồ đó là sinh mạng của bao nhiêu người lính ngoài kia", ông nhớ lại.

Có lúc, ông phải vẽ lại bản đồ nhiều lần, vì những thay đổi nhanh chóng trên chiến trường.

Khi bản đồ tác chiến trận Xuân Lộc được hoàn thành, nó không chỉ là những đường vẽ đơn giản trên giấy, mà là cả một chiến lược, một trí tuệ và nghệ thuật quân sự tác chiến của người chỉ huy quân ta.

Những chiến sĩ, những người đồng đội của ông, dù đang ở giữa chiến trường đầy khói lửa, vẫn có thể nhìn vào bản đồ ấy để định hướng cho từng bước đi, từng đòn tấn công. Và chính những bước đi đó đã đưa quân ta chiến thắng: Ngày 21/4, quân ta giành được Xuân Lộc.

Nhìn lại những ngày tháng đó, cựu binh Đàm Duy Thiên không cho rằng mình đã làm được điều gì đặc biệt. "Tôi chỉ là một chiến sĩ, làm những việc mà một người lính phải làm. Tôi không nghĩ rằng mình đã làm được gì to lớn. Tôi chỉ làm hết sức mình, vì đồng đội, vì đất nước", ông khiêm tốn nói.

Và chính sự khiêm tốn ấy lại là điều tạo nên điều đáng trân trọng trong ông. Sự hy sinh thầm lặng của ông, một người lính không có những tiếng súng vang dội nhưng lại vẽ nên tấm bản đồ góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Đàm Duy Thiên được cử đi học tại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng, rồi thi đỗ vào Đại học Quân y năm 1978 (nay là Học viện Quân y). Sau tốt nghiệp, ông được Học viện giữ lại làm bác sĩ điều trị, phẫu thuật sọ não và cột sống kiêm giảng viên hướng dẫn thực hành cho học viên tại Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103).

Trong thời gian làm việc tại Bệnh viện Quân y 103, thực hiện thành công nhiều ca mổ cho các bệnh nhân, ông tiếp tục học và nghiên cứu rồi trở thành Tiến sĩ Y khoa. Hiện tại, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn tham gia giảng dạy, tiếp tục công việc chữa bệnh, cứu người.

Theo Thy Huệ (vtcnews.vn)

Có thể bạn quan tâm

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.

50 năm thống nhất - Ngày 30/3/1975: Triển khai giải phóng Tuy Hòa, xuyên rừng về Diên Khánh

50 năm thống nhất - Ngày 30/3/1975: Triển khai giải phóng Tuy Hòa, xuyên rừng về Diên Khánh

Ngày 30/3, thực hiện kế hoạch giải phóng thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), Tiểu đoàn 9 và Trung đoàn 3 Sư đoàn 320 hành quân xuống Đèo Cả, trong khi lực lượng ở Khánh Hòa cũng xuyên rừng tiến về Diên Khánh, Sư đoàn 10 Binh đoàn Tây Nguyên tiến về Nha Trang.

Bình Phước: Đất lửa nở hoa

Bình Phước: Đất lửa nở hoa

Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao thương hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, nơi giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên.