(GLO)- Với họ, chuyện của 39 năm trước vẫn vẹn nguyên trong ký ức, mỗi lần chạm đến là mỗi lần niềm tự hào được nhân lên gấp bội. Trong tâm khảm của không ít những người lính quả cảm ngày ấy, được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một niềm vinh dự lớn lao.
Ông Trần Viết Xuân (bên phải) và ông Hà Quân. Ảnh: Thái Bình |
Biết mục đích tới thăm của tôi, ông Trần Viết Xuân-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku không giấu được nỗi xúc cảm của mình. Giọng ông chan chứa niềm vui: “Những người lính có mặt tại Sài Gòn trong thời khắc quan trọng của ngày 30-4-1975 chắc chắn không thể nào quên phút giây vỡ òa niềm vui khi nghe tin đồng chí Bùi Quang Thận cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Tin chiến thắng được thông báo tới toàn quân, toàn dân trong rạng rỡ cờ hoa và náo nức tiếng cười. Trong suốt 39 năm qua, tiếng cười ấy, niềm vui, niềm tự hào ấy luôn cháy sáng trong trái tim người lính chúng tôi. Và rồi, hàng năm, cứ đến dịp đồng bào cả nước hân hoan kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi lại tìm đến nhau trong bời bời xúc cảm...”.
Theo lời ông Xuân kể, đơn vị ông-Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3)-một trong những đơn vị chủ lực tham gia trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm một mũi tiến công đánh vào Bộ Tổng Tham mưu và Sân bay Tân Sơn Nhất. “Sau khi tham gia chiến dịch Tây Nguyên, một trong những chiến dịch quan trọng góp phần làm nên chiến thắng 30-4 sau này, đơn vị chúng tôi nhận lệnh tiến quân đánh địch theo trục đường 21, giải phóng Ninh Hòa, Dục Mỹ, Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa); sau đó thì nhận lệnh làm một mũi tiến công đánh vào Bộ Tổng Tham mưu và Sân bay Tân Sơn Nhất-ông Xuân kể. Lực lượng của ta lúc này đầy khí thế, các xe chở bộ đội chạy hiên ngang trên đường với những khẩu hiệu thúc giục lòng quân như: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa”; “Nhằm thẳng phía Nam và tiến”. Bộ đội hành quân đến đâu cũng đều được nhân dân tưng bừng cờ hoa chào đón. Tuy nhiên, trên trục đường tấn công, chúng tôi vẫn gặp nhiều ổ kháng cự của địch, nhất ở đoạn ngã tư Bảy Hiền; vì thế dù biết giờ chiến thắng đang đến rất gần nhưng vẫn không thể nào tránh được những mất mát, hy sinh. Đồng đội tôi, có nhiều đồng chí hy sinh trước giờ toàn thắng…”.
Ông Đỗ Ngọc Lập (bên phải) chụp ảnh cùng đồng đội tại nhà chuẩn tướng không quân Ngụy, đầu tháng 5-1975 (ảnh do ông Lập cung cấp). |
Cũng nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị ông Đào Ngọc Lập (hiện ở tổ 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) có nhiệm vụ triển khai thông tin, phục vụ cho chiến dịch khi lực lượng bộ binh của ta đánh vào Đồng Dù, Củ Chi, Sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là một mặt trận tương đối ác liệt, những người lính thông tin như ông Lập ngày ấy vẫn lấy câu “thông tin đi trước về sau” để nhắc nhở nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đầy gian khó này. Ông Lập tự hào nhớ lại: “Trong chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn 29 thông tin của chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai mạng thông tin đánh vào sư bộ Sư 23 của ngụy tại Buôn Ma Thuột; tạo đường dây đỏ phục vụ cho đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ huy giải phóng Buôn Ma Thuột. Sau đó, chúng tôi nhận lệnh tiến về phía Nam, đảm bảo thông tin phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi những người lính bộ binh hành quân thần tốc về Nam thì cánh lính thông tin chúng tôi phải hành quân thần tốc hơn nữa, phải đến trước mới đảm bảo sự thông suốt và chuẩn xác về thông tin cho chiến dịch. Để một ngày đảm nhiệm thu cũ và triển khai mới vài chục km đường dây, chúng tôi đã phải làm cả ngày lẫn đêm, vượt qua nhiều khó khăn mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau giải phóng, đơn vị tiếp tục làm công tác dân vận, vận động người dân yên tâm xây dựng cuộc sống mới; tôi thuộc đội điện ảnh, cùng anh em trong đội đi chiếu phim phục vụ đồng bào…”.
Lời ông Lập khiến tôi nhớ đến câu chuyện với Đại tá Hà Quân-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku hôm trước. Là chiến sĩ Sư 312, Quân đoàn 1, trực tiếp đánh địch tại Bến Cát, Bến Súc, Lai Khê (Bình Dương) trong ngày 30-4 lịch sử; đến Sài Gòn ngày 2-5-1975; đơn vị ông Hà Quân có nhiệm vụ chủ yếu là quân quản, đảm bảo an ninh trật tự cho Sài Gòn những ngày đầu giải phóng. Ông Quân khẳng định: “Đối với phần lớn người dân Sài Gòn khi ấy, niềm vui chiến thắng đến thật bất ngờ; có người phải đến nhiều ngày sau mới tin việc nước nhà thống nhất là hoàn toàn sự thật. Bởi vậy, những câu chuyện về sự chiến thắng vang dội của quân ta cũng như vẻ thất bại thảm hại của Mỹ được người dân nói đến nhiều hơn. Trong hân hoan niềm vui ngày giải phóng, cuộc sống của người dân ở đây dần đi vào ổn định và phát triển”.
Thái Bình