Trù phú làng Nú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 15 năm định cư tại nơi ở mới, đến nay cuộc sống của người dân làng Nú-làng tái định cư Thủy điện Sê San 4 (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) đang khởi sắc từng ngày.

Nhớ lại ngày di dời về nơi ở mới, ông  Rơ Lan In kể lại: Đầu năm 2003, Thủy điện Sê San 4 đi vào vận hành, đồng nghĩa làng Nú bị ngập trong biển nước. Vì thế, làng Nú được di dời đến nơi ở mới. Những ngày đầu về làng mới, dù được hỗ trợ ban đầu về cơ sở vật chất như: đường sá, điện, nước, nhà rông... nhưng về cái ăn, cái mặc thì hộ nào cũng thiếu.

 

Một góc làng Nú. Ảnh: Đinh Yến
Một góc làng Nú. Ảnh: Đinh Yến

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói nhưng nguyên nhân chính là bà con chưa có tư tưởng an cư lạc nghiệp. Nắm được tâm tư của người dân, ngày nào cán bộ cũng về làng tuyên truyền, giúp bà con bám làng, chịu khó lao động sản xuất. Cùng với đó, chính quyền địa phương hỗ trợ giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, đó là cây điều; ngoài ra còn tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón rồi “cầm tay chỉ việc” giúp người dân cách làm.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng, chỉ tay vào vườn điều cao sản sum suê, Trưởng thôn Rơ Lan Hưôn cười tươi: “Liên tục 15 năm qua, nhờ Nhà nước hỗ trợ phân bón, cán bộ nông nghiệp xã chỉ cho bà con cách chăm sóc, cùng với sự chịu khó, ham học hỏi của người dân, giờ làng Nú không còn hộ đói, chỉ còn 15 hộ nghèo, có hộ thu nhập gần nửa tỷ đồng mỗi năm”.

Gần 5 năm nay, gia đình anh Ksor Buk đã thoát nghèo với nguồn thu nhập khá ổn định từ cây điều. “5 ha điều mỗi năm cho gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Nhờ biết dành dụm, gia đình tôi có tiền làm căn nhà mới 1,3 tỷ đồng”-anh Buk khoe. Tương tự, từ một hộ thiếu đói, gia đình già Rơ Lan Thang trở thành hộ có nhiều đất nhất làng với gần 10 ha điều và bời lời, mỗi năm cho thu nhập lên đến vài trăm triệu đồng. Già Thang cho biết: “Được bố mẹ ở xã Ia Krái (huyện Ia Grai) cho mấy đám đất, già bán đi về làng Nú mua đất trồng điều. Giờ già chia đều cho 6 người con. Các con của già nhờ có đất trồng điều nên cuộc sống cũng ổn định”. Bà con trong làng ai nấy đều vui, nhất là mấy năm nay điều liên tục được mùa được giá.

Ngoài ra, để lấy ngắn nuôi dài, nhiều hộ tận dụng đất ven bìa suối trồng thêm lúa rẫy, mì, bắp, nhiều hộ còn kiếm thêm từ việc đánh bắt cá trên sông Sê San... Vì thế, làng Nú giờ đây đã có nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên bên cạnh những căn nhà cấp 4 kiên cố được Nhà máy Thủy điện Sê San 4 xây từ ngày mới lập làng.

Trao đổi với P.V, ông Puih Dinh-Chủ tịch UBND xã Ia Khai, cho biết: “Để bà con thuận lợi trong việc chăm sóc, đồng thời tạo đầu ra cho cây điều, UBND xã đã thành lập hợp tác xã phát triển sản phẩm hạt điều với 98 hội viên là nông dân của làng Nú, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây”.

Tuy nhiên, để làng Nú ngày một phát triển, đa số bà con trong làng đều mong muốn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ làm hệ thống đường bê tông. Hiện nay, làng Nú mới chỉ có duy nhất một con đường chạy dọc quanh làng. Còn đường trong các ngõ xóm chủ yếu vẫn là đường đất, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm