Trồng tiêu không cần tưới nước, mỗi năm thu 5 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trang trại gần 20 ha hồ tiêu của ông Đào Văn Nga, ở thôn Thuận Bình, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) hơn 7 năm qua không hề tưới nước, nhưng tiêu vẫn xanh tốt, năng suất cao. Điều này khiến nhiều người tò mò tìm đến tham quan, học hỏi.
Ông Nga có thâm niên hơn 20 năm trồng hồ tiêu, trong đó hơn 10 năm theo đuổi và áp dụng kỹ thuật trồng hồ tiêu hữu cơ. Kể cả những giai đoạn khó khăn nhất, ông vẫn bám trụ với cây tiêu.
Theo ông Nga, năm 1999, ông trồng 1 ha hồ tiêu và bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật hữu cơ, nhưng mãi đến năm 2015, ông mới áp dụng phổ biến. Ông học tập kinh nghiệm trồng hồ tiêu hữu cơ trên mạng internet và những người có chuyên môn.
"Trồng hồ tiêu hữu cơ dễ ở chỗ là không phải xịt thuốc hóa học nhiều, không ảnh hưởng sức khỏe. Sản phẩm tiêu hữu cơ đạt chất lượng cao, dễ bán", ông Nga chia sẻ.
Để chăm sóc vườn tiêu, ông tự ủ phân chuồng rồi kết hợp với men vi sinh để bón cho cây. Theo tính toán của ông Nga, 1 ha hồ tiêu hữu cơ, mỗi năm bón hết khoảng 20 tấn phân chuồng, tương đương 50 triệu đồng. 
 
 Mỗi năm, ông Nga thu về tầm 5 tỷ đồng từ trang trại tiêu hữu cơ
Mỗi năm, ông Nga thu về tầm 5 tỷ đồng từ trang trại tiêu hữu cơ
Tính ra, mỗi gốc hồ tiêu chỉ mất hơn 20 kg phân chuồng/năm. Mỗi năm, ông cắt cỏ trong vườn tiêu khoảng 10 đợt. Tuy chi phí đầu tư không cao, nhưng trang trại tiêu hữu cơ của ông Nga vẫn đạt năng suất ổn định khoảng 5 tấn/ha. Mỗi năm, ông Nga thu từ 70-80 tấn hạt tiêu, trừ chi phí, ông lãi trên 5 tỷ đồng.
Điều đặc biệt là ông Nga hầu như không tưới nước cho vườn hồ tiêu, kể cả mùa khô. Theo ông Nga, trang trại hồ tiêu của gia đình trồng ở vị trí gần hồ nước, nên không khí mát mẻ, độ ẩm cao.
Điều quan trọng hơn là ông luôn nuôi cỏ trong vườn tiêu để giữ ẩm cho cây. Ông cũng trồng tiêu bằng trụ sống, giúp hai loại cây cộng sinh, nên không cần nhiều nước.
Giữa các hàng tiêu ông tạo các rãnh khá sâu để thoát nước, ngăn không cho nấm bệnh lây lan. "Hồ tiêu chủ yếu bị bệnh chết nhanh, chết chậm nên mình phải thăm nom thường xuyên. Nếu phát hiện bệnh cần sớm chữa trị bằng cách vãi vôi, chế phẩm sinh học để cây tiêu hồi phục nhanh”, ông Nga chia sẻ.
 
Dù trong 7 năm qua không cần tưới nước nhưng trang trại hồ tiêu của ông Nga vẫn luôn xanh tốt
Dù trong 7 năm qua không cần tưới nước nhưng trang trại hồ tiêu của ông Nga vẫn luôn xanh tốt
Theo ông Nga, nông dân muốn làm kinh tế từ nông nghiệp thì phải chịu khó học hỏi kiến thức, kỹ thuật và cần thay đổi tư duy, nhận thức. Bà con cần mạnh dạn áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn, sinh học để nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Khi tôi quyết định trồng hồ tiêu, giá tiêu chỉ dưới 10.000 đồng/kg, sau đó tăng dần lên. Vào thời điểm hồ tiêu bị bệnh, giá xuống thấp, tôi đã mạnh dạn chuyển hướng sang làm tiêu hữu cơ. Chính cách thay đổi này đã mang lại cho tôi nhiều thành công", ông Nga cho biết.
Hiện nay, ông Nga bán sản phẩm tiêu hữu cơ cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Hoàng Nguyên, với mức giá luôn cao gấp khoảng 2 lần so với các loại tiêu thông thường. 
Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu độc đáo của ông. Ông Nga sẵn sàng chia sẻ các kỹ thuật, kinh nghiệm cho bà con.
Bài, ảnh: Phan Đinh (Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.