Trần Việt Đôn: Làm giàu không khó!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ cần cù lao động và chịu khó học hỏi, anh Trần Việt Đôn (thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai) đã trở thành tỷ phú với cơ ngơi khiến nhiều người phải mơ ước.

Sinh năm 1973 trong một gia đình nông dân nghèo ở Hưng Yên, ngay từ nhỏ, Trần Việt Đôn đã luôn nung nấu khát vọng làm giàu. Năm 1994, khi lập gia đình, vốn liếng của vợ chồng anh Đôn chỉ là một thửa đất nhỏ và căn nhà xây thô diện tích vỏn vẹn 12 m2. Ngày ấy, vùng đất Đak Djrăng vẫn còn khá hoang sơ nên vợ chồng anh bắt tay khai khẩn được 8 sào đất đồi. “Mình chia ra trồng lúa, bắp, khoai… để lấy cái ăn. Sau đó, mình quyết định mở rộng diện tích để trồng cà phê. Thiếu vốn nên phải làm dần dần, lấy ngắn nuôi dài”-anh Đôn kể lại.

 

Anh Đôn kiểm tra vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: H.L
Anh Đôn kiểm tra vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: H.L

Ròng rã đến năm 2007, anh Đôn mới trồng được hơn 2 ha cà phê. Hai năm sau, khi trong tay đã có chút vốn liếng tích lũy nhờ cà phê cho thu hoạch, thấy người trồng hồ tiêu liên tiếp thắng lớn, anh Đôn quyết định đầu tư trồng loại cây này, ban đầu là vài trăm trụ, sau nhân lên thành 1.700 trụ. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật và chú trọng đầu tư, vườn hồ tiêu của anh luôn đạt năng suất cao, trung bình 5-6 tấn tiêu khô/ha. Năm 2016, khi giá hồ tiêu đạt đỉnh cũng là lúc vườn hồ tiêu của anh cho năng suất cao nhất. Vụ đó, anh lãi 1,2 tỷ đồng, trở thành một trong những tỷ phú nông dân đầu tiên ở Đak Djrăng. “Ăn nên làm ra”, anh cất nhà cửa khang trang và mua sắm thêm phương tiện, đồ dùng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Cũng trong năm 2016, anh chi 900 triệu đồng mua ô tô làm phương tiện đi lại.

Anh Đôn chia sẻ, sự thành bại của người làm nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vốn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, thời tiết và giá cả thị trường. Bởi vậy, nông dân rất cần sự hỗ trợ, định hướng và tạo điều kiện từ phía ngành chuyên môn và các cơ quan quản lý nhà nước. “Tôi may mắn được tham dự nhiều lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn tổ chức. Từ kiến thức tiếp cận được, cộng với kinh nghiệm thực tế, tôi định hình cho mình một hướng đi cụ thể, đầu tư chăm sóc cho vườn cây đạt năng suất cao, hạn chế rủi ro”-anh Đôn cho biết.

Làm ăn phát đạt, anh Đôn có điều kiện đóng góp ủng hộ các chương trình, hoạt động xã hội tại địa phương và chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người. Anh từng 10 năm làm Chi hội trưởng chi hội Nông dân thôn Linh Nham. Hiện tại, anh được giao quản lý một tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Nhờ những thành tích nổi bật trong sản xuất và hoạt động xã hội, anh Đôn nhiều lần được các cấp, ngành khen thưởng. Trong đó, nổi bật là việc anh được Hội Nông dân tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2014-2016.  Đặc biệt, tháng 9-2017, anh là một trong 5 nông dân tiêu biểu  của tỉnh được chọn tham dự Hội nghị nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Nói về kinh nghiệm làm giàu của bản thân, anh Đôn cho rằng: “Nông dân Tây Nguyên làm giàu không khó, chỉ cần chọn  hướng đi đúng, chịu khó học hỏi thì sẽ thành công”. Trong khi đó, ông Trần Văn Minh-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mang Yang, nhận xét: “Anh Đôn là tấm gương nông dân vượt khó làm giàu tiêu biểu nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi cũng như biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

null