Trận Buôn Ma Thuột: Đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngày 10-3-1975, trận đánh vào Buôn Ma Thuột mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi cục diện chiến trường, để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân 1975.
Quân Giải phóng đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975. Ảnh: TƯ LIỆU

Quân Giải phóng đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975. Ảnh: TƯ LIỆU

Điểm “trúng huyệt” vào nơi hiểm yếu

Chiến thắng Buôn Ma Thuột khẳng định trình độ chỉ huy tác chiến, hiệp đồng quân binh chủng khôn khéo, linh hoạt, quyết đoán và tổ chức chặt chẽ, mưu trí, chu đáo, sáng tạo. Nghệ thuật quân sự Việt Nam đạt tới trình độ cao.

Trận đánh Buôn Ma Thuột được mở màn từ 2 giờ 3 phút sáng 10-3 và kết thúc lúc 10 giờ 30 phút ngày 11-3-1975. Đây là trận then chốt quyết định đối với chiến dịch Tây Nguyên, bởi Buôn Ma Thuột có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, nằm trên trục đường 14 và 21 thuận lợi cho phát triển ra các tỉnh Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung, về Sài Gòn.

Buôn Ma Thuột có diện tích rộng, bình độ thấp so với xung quanh, lại tương đối bằng phẳng, rải rác có một số điểm cao độc lập cách thị xã từ 2-15km, nên thuận lợi cho ta cơ động lực lượng, triển khai bí mật đội hình lực lượng lớn có điều kiện đánh địch phản kích và có hướng phát triển. Ta chọn Buôn Ma Thuột địch ít chú ý hơn, hơn nữa địch cho rằng ta chưa đủ khả năng đưa quân đến đây.

Trước khi nổ súng, chúng ta đã nghiên cứu kỹ về địa hình, tổ chức bố trí, quy luật hoạt động của địch. Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên xác định hướng chủ yếu Nam Tây Nguyên (đánh chiếm Buôn Ma Thuột). Trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, ta tiến công trên 4 mũi và một mũi chọc sâu; trong đó 4 mũi được xe tăng, thiết giáp, pháo binh hiệp đồng chi viện. Mục tiêu đột phá chủ yếu được xác định là sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy và Sở chỉ huy tiểu khu Đắk Lắk. Đây là trung tâm chỉ huy có giá trị quan trọng nhất của địch ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên.

Tiến công vào đây ta đã điểm “trúng huyệt”, đánh vào nơi rất hiểm nhưng tương đối yếu của địch. Trưa 11-3-1975, quân ta đã giải phóng thị xã và bắt sống chỉ huy - Đại tá Vũ Thế Quang, Tỉnh trưởng Nguyễn Trọng Luật.

Đúng như dự kiến, khi nguy cơ bị tiêu diệt, địch tổ chức tăng viện, ứng cứu. Ta tổ chức cơ động đánh địch đổ bộ đường không đến tăng viện, ứng cứu Đông Buôn Ma Thuột. Chiến thắng Buôn Ma Thuột tạo nên đột biến trên toàn bộ chiến trường Tây Nguyên.

Xoay chuyển tình thế nhờ cách đánh sáng tạo

Quy luật của chiến tranh là mạnh được, yếu thua. Xét về tương quan lực lượng ban đầu trên chiến trường Tây Nguyên nói chung và trận Buôn Ma Thuột nói riêng, ta chưa có ưu thế hơn địch nhưng ta có ý chí chiến đấu của quân và dân. Đồng thời, vận dụng tài tình nghệ thuật quân sự, nắm chắc tư tưởng đánh chắc thắng và sự chỉ đạo mưu trí, linh hoạt của Bộ Tư lệnh chiến dịch tạo sự chuyển hóa tập trung lực lượng có lợi cho ta.

Trong trận then chốt quyết định này, ta sử dụng 2 sư đoàn và các đơn vị binh chủng để tiêu diệt một trung đoàn tăng cường của địch. Chúng ta tập trung lực lượng ưu thế vượt trội hơn địch từ 3-4 lần để đánh thắng trận mở đầu, tạo áp đảo về lực lượng tiến công. Chúng ta cũng tổ chức bố trí lực lượng tác chiến hợp lý, kết hợp tập trung trên hướng chủ yếu, thọc sâu bằng xe tăng, bộ binh và hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội địa phương, dân quân du kích nên ta đã giành thắng lợi trận then chốt mở đầu trong thời gian ngắn.

Chúng ta còn thực hiện bao vây, chia cắt chiến lược và chiến dịch nhằm cô lập từng cụm quân địch. Đồng thời, kết hợp đột phá với luồn sâu, thọc sâu, thực hiện trong ngoài cùng đánh, dùng các cụm đột kích binh chủng hợp thành để phá vỡ thế phòng ngự của địch. Ta kéo địch ra ngoài công sự để tiến công tiêu diệt, tạo thế cho chiến dịch diệt địch đổ bộ đường không ở Đông Buôn Ma Thuột, trên đường 21 và đánh địch rút chạy trên đường số 7 về Cheo Reo.

Lựa chọn phương pháp tác chiến tiến công địch trong cụm cứ điểm, căng kéo buộc địch phải cơ động lực lượng phản kích, phản đột kích ứng cứu, tăng viện, giải tỏa lực lượng khi bị công kích. Quân ta đã nhanh chóng nắm thời cơ vận động tiến công; tập trung lực lượng đánh trận then chốt quyết định, tiêu diệt lực lượng đổ bộ đường không chiến thuật, chiến dịch ngoài công sự, trong khu vực dự kiến với hiệu suất chiến đấu cao. Lựa chọn cách đánh sáng tạo đã góp phần quan trọng xoay chuyển toàn bộ tình thế chiến lược.

Trong tình hình hiện nay, đối tượng tác chiến đã có điều chỉnh, vũ khí công nghệ cao tạo nên sự thay đổi lớn trên chiến trường. Nghiên cứu vận dụng nghệ thuật quân sự, đáp ứng với điều kiện tác chiến trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi tư duy mới về tác chiến hiện đại. Nhưng bài học về nghệ thuật tác chiến của trận đánh Buôn Ma Thuột vẫn còn nguyên giá trị cần vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình mới.

Để quyết định chọn khu vực, địa bàn tác chiến Buôn Ma Thuột, đầu năm 1975 Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã thực hiện chiến thuật nghi binh qua làn sóng điện, tạo thế giữ quyền chủ động chiến dịch. Trong khi đó, Cơ động Sư đoàn 316 về áp sát biên giới Campuchia, Sư đoàn 10 từ Bắc Tây Nguyên về Nam Tây Nguyên, Sư đoàn 320 từ Tây Pleiku về Ea H’Leo, chia cắt đường 14. Sư đoàn 968 từ Nam Lào về thế chân các sư đoàn 10, 320 ở Kontum, Tây Pleiku và tổ chức một số trận đánh trên hướng Bắc Tây Nguyên. Lực lượng ta đánh mạnh như đánh thật, đã khiến địch mắc kế và bị động chiến lược, trở tay không kịp.

Có thể bạn quan tâm