"Trai đẹp" làm nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lê Văn Vượng đang là “mục tiêu” của nhiều bạn nữ, khi chưa có người yêu mà đã là giám đốc của hợp tác xã trồng dưa lưới Nhật Bản.
Lê Văn Vượng bên trong nhà màng trồng dưa lưới Nhật Bản
Lê Văn Vượng bên trong nhà màng trồng dưa lưới Nhật Bản
Mê dưa lưới hơn mê... bạn gái
“Còn trẻ mà anh, yêu đương tính sau tí cũng được. Mà muốn yêu cũng phải có đôi ba đồng lận lưng đã chứ, không lẽ đi uống nước cũng để bạn gái… trả tiền”, Lê Văn Vượng (trú thôn Thủy Tú 2, xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) gãi đầu giải thích lý do đã 24 tuổi vẫn còn đơn chiếc.
Vượng từng đỗ vào Trường ĐH Điện lực (Hà Nội) nhưng phải bỏ ngang sau 3 tháng vì lý do khá oái oăm: dị ứng thời tiết, mụn nhọt nổi khắp người. Đến năm sau, thi lại vào Học viện Hải quân ở Khánh Hòa, cậu lại trượt và bỏ ngang, lên đường nhập ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, giữa lúc quê hương đang “dính” sự cố môi trường biển, Vượng vẫn “nuôi” quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp. Vừa hay, giai đoạn này chính quyền địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi sinh kế, hỗ trợ đào tạo nghề và cho đi tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh phía bắc. Vượng lại xách ba lô và đi, rồi bén duyên với cây dưa lưới từ đó…
Dù không có nhiều vốn, Vượng đã kêu gọi 14 thành viên khác cùng chung tay để thành lập Hợp tác xã (HTX) Trường Sơn chuyên trồng dưa lưới Nhật Bản do Vượng làm giám đốc. Với 700 triệu đồng do các thành viên đóng góp cùng 300 triệu đồng do H.Vĩnh Linh hỗ trợ, tháng 7.2017, vườn dưa lưới trong nhà màng đầu tiên tại H.Vĩnh Linh đã được hình thành trên diện tích hơn 2.000 m2.
Nhưng nhát cuốc đầu tiên bổ xuống đồng đất quê hương gầy dựng vườn dưa lưới của Vượng và những đồng sự cũng không hề dễ dàng. Càng khó khăn hơn khi HTX Trường Sơn lại có mục tiêu theo đuổi nông nghiệp sạch, sản xuất công nghệ cao… Phải mất hơn 1 tháng chuẩn bị đất, xử lý vi khuẩn, Vượng mới cho trồng khoảng gần 5.000 gốc dưa lưới và dưa hấu trong nhà màng (màng lưới, lỗ nhỏ có mái che).
“Mai mối” cho dưa
Được đánh giá là giống cây mới, kén đất trồng, thế nhưng loại dưa lưới được anh Vượng trồng thành công và cho hiệu quả cao khi trồng bằng phương pháp này. Để có những thành quả này, phải có bàn tay can thiệp của Vượng và các đồng sự.
Cụ thể, dưa được trồng trong nhà màng không có sâu bệnh nên không cần bơm thuốc bảo vệ thực vật, sạch hoàn toàn. Tuy nhiên, khi cây ra hoa, Vượng phải tự thụ phấn bằng tay, rất kỳ công. “Công việc này cũng giống như việc đi làm “ông tơ, bà nguyệt” vậy, phải khéo léo nếu không thì hỏng hết”, Vượng chia sẻ. Tuy nhiên, theo chàng trai này, sắp tới, anh có ý định bỏ nghề “mai mối”, thay vào đó sẽ nuôi ong để thụ phấn cho hoa dưa, giảm công lao động.
Vượng cũng cho biết khác với phương pháp canh tác tự nhiên, việc trồng dưa ứng dụng công nghệ cao phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất, bón phân, tưới nước... Bên trong nhà màng, Vượng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, hệ thống phun sương cho cây trồng. Cũng vì trồng dưa trong nhà màng, Vượng có thể canh tác quanh năm. “Mỗi cây dưa lưới từ khi trồng đến khi ra quả đạt 1,5 kg để thu hoạch phải mất khoảng 3 tháng chăm sóc. Trên mỗi cây dưa có thể ra khoảng 4-5 quả nhưng để quả dưa đạt chất lượng cao, tôi chỉ chừa một cây còn duy nhất một quả”, Vượng chia sẻ.
Trời không phụ lòng người, chỉ trong thời gian ngắn cây dưa trong nhà màng sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao trên 70%, tổng sản lượng ước đạt từ 4 - 4,5 tấn. Mọi thứ có vẻ khả quan mà đến bản thân Vượng cũng không ngờ. Dưa lưới Nhật Bản thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng nên giá bán cao, có thời điểm sốt giá thì lên tới vài trăm nghìn đồng mỗi ký. Nhưng để phù hợp với thị trường trong nước, Vượng dự tính chỉ bán với giá 40.000-50.000 đồng/kg.
Tại huyện Vĩnh Linh, sau khi mô hình của Vượng có những bước khả quan, cũng đã có 3 mô hình khác được chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí để trồng rau củ quả trong nhà màng. Bà Lê Thị Thúy Kiều, Phó trưởng phòng Nông nghiệp H.Vĩnh Linh, cho biết canh tác trong nhà màng sẽ hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh, đồng thời nhà vườn có thể chủ động trong điều chỉnh độ ẩm… Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh, nhấn mạnh thành công bước đầu của mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản trong nhà màng của Vượng đã đem đến niềm tin và động lực lớn để nông dân huyện nói riêng và Quảng Trị nói chung, để họ tiếp tục trồng trọt theo hướng công nghệ cao.
Nguyễn Phúc - Thanh Lộc (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Héo hon nghề theo xu hướng

Héo hon nghề theo xu hướng

Nghề sáng tạo nội dung số đang trở thành lựa chọn hàng đầu khi mạng xã hội (MXH) trở thành một phần trong đời sống của nhiều người. Xu hướng chọn nghề kiếm tiền từ MXH là một thực tế, thậm chí mang đến thu nhập “khủng”, tuy nhiên rất khó để đoán được xu hướng MXH sẽ dừng lại ở đâu.

Khởi nghiệp từ cà phê đặc sản

Khởi nghiệp từ cà phê đặc sản

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh Gia Lai đã thay đổi tư duy sản xuất, tận dụng lợi thế của địa phương để nâng cao giá trị nông sản. Cơ sở sản xuất cà phê đặc sản Pure coffee (tổ 5, thị trấn Chư Sê) của gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng là một ví dụ điển hình.

Trưởng thôn “2 giỏi”

Ông Ning-Trưởng thôn “2 giỏi”

(GLO)- Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Ning-Trưởng thôn O Yố (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) còn đi đầu trong các phong trào, hoạt động tại địa phương. Ông xứng đáng với danh hiệu trưởng thôn “2 giỏi”.

Nguyễn Văn Thiên: Gương sáng ngành Điện lực

Nguyễn Văn Thiên gương sáng ngành Điện lực

(GLO)- Nhiệt huyết, yêu nghề, trách nhiệm là nhận xét mà các đồng nghiệp và cấp trên dành cho anh Nguyễn Văn Thiên-Công nhân quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp Điện lực Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Anh xứng đáng là gương sáng của ngành Điện lực.