Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tây Nguyên cần quyết tâm cao hơn nữa để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 14-10, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Uỷ viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự và chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến các điểm cầu ban, bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Trung ương và 5 tỉnh Tây Nguyên. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai trực tiếp dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Tại Gia Lai, hội nghị được kết nối đến 240 điểm cầu từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn với trên 6.300 đại biểu tham dự. Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính, Hội trường 19-5 (TP. Pleiku).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh nguồn NDO
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh nguồn NDO

Tham dự hội nghị tại điểm cầu chính có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh); lãnh đạo các cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các ban HĐND tỉnh và lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; lãnh đạo Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và các Hội đặc thù cấp tỉnh; lãnh đạo các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; các đồng chí báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên Tỉnh ủy khóa XVI hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết. Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020, những năm qua, các cấp, ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng, phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nghị quyết số 23 cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 23 đã đề ra 5 nhóm quan điểm, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp định hướng phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Theo đó, một số chỉ tiêu giai đoạn 2021-2030: Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25-30%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1,0-1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 98%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%...

Tầm nhìn đến năm 2045: Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

Nghị quyết cũng nêu 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; phát triển văn hóa-xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo Kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe 6 tham luận của đại diện các bộ, ngành và địa phương. Tham luận trực tiếp tại hội nghị về “Giải pháp quản lý sử dụng rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước tại tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên thông tin: Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Tây Nguyên (chiếm 25,2% diện tích toàn vùng và chiếm 4,3% diện tích cả nước); có Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn Kon Chư Răng với nhiều loại cây quý hiếm, hệ động-thực vật đa dạng và phong phú, có nhiều loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ và mang đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên tại Cao nguyên Kon Hà Nừng-nơi vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Gia Lai nằm ở đầu nguồn của nhiều lưu vực sông lớn; hệ thống sông, suối, hồ đập đa dạng và diện tích mặt nước có thể nuôi trồng và khai thác thủy sản...

Bên cạnh những thuận lợi thì Gia Lai cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về nguy cơ mất cân bằng sinh thái và cạn kiệt tài nguyên, do đó tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nêu lên 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhằm quản lý rừng, nguồn nước tại tỉnh. Cụ thể, phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ cấu lại kinh tế theo hướng khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, kể cả nước mặt và nước ngầm; thực hiện tốt giải pháp liên tỉnh để quản lý tài nguyên rừng, nguồn nước, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Tây Nguyên và các vùng lân cận.

Đồng chí Hồ Văn Niên cũng đề xuất, kiến nghị 4 vấn đề trọng tâm, trong đó sớm đầu tư kết nối giao thông vùng như Nghị quyết đã xác định, làm tiền đề, động lực cho các địa phương phát triển như: triển khai các tuyến đường cao tốc, nâng cấp các Cảng hàng không, triển khai nghiên cứu việc xây dựng tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên...

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính, hội trường 19-5. Ảnh; Anh Huy
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính, Hội trường 19-5 (TP. Pleiku). Ảnh: Anh Huy

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt hoan nghênh tất cả các đại biểu tham dự hội nghị, đặc biệt là các đại biểu tại điểm cầu các tỉnh Tây Nguyên. Mong các đồng chí tập trung thảo luận, tiếp thu sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị, đáp ứng đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Tổng Bí thư cũng đã gợi mở, nêu vấn đề và giải đáp 3 vấn đề lớn: Vì sao lúc này Bộ Chính trị phải ban hành Nghị quyết số 23; nội dung mới, ý tưởng mới và tinh thần mới của Nghị quyết số 23 là gì; cần phải làm gì, làm như thế nào để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

Theo đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Bên cạnh những thành tích đã đạt được, vùng Tây Nguyên hiện vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, đó là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước... Do vậy, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23 nhằm quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ chiến lược mới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng.

Để tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 23, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị phải quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức của các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng các doanh nghiệp. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và ý chí vươn lên mạnh mẽ của các Đảng bộ và Nhân dân trong vùng. Các cơ quan Trung ương cần tăng cường phối hợp khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên có tính đặc thù cho phát triển vùng; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển vùng; đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh toàn diện, coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định.

Cùng với đó, Tổng Bí thư yêu cầu ngay sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng ở Trung ương và các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ các tỉnh. Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng cần cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể, có tính khả thi cao.

Tổng Bí thư cũng gợi ý việc xây dựng Ban Chỉ đạo về thực hiện Nghị quyết. Với tinh thần cả nước cùng Tây Nguyên, Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước, Tổng Bí thư tin tưởng rằng, sau hội nghị, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cùng với các ban, bộ, ngành trung ương, cùng cấp ủy, chính quyền trong cả nước quyết tâm cao hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo bước chuyển biến mới mạnh mẽ hơn trong việc phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo quan trọng, sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các cơ quan Trung ương và các địa phương ngay sau hội nghị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết và nội dung bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư đến các tổ chức Đảng, đảng viên và Nhân dân; quán triệt, nhận thức đầy đủ sâu sắc các nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư, những điểm mới trọng tâm của Nghị quyết, nhất là quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để bổ sung các mục tiêu, chương trình, kế hoạch hành động Đại hội Đảng các cấp với những giải pháp thiết thực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị; các cơ quan Trung ương sớm ban hành kế hoạch, chương trình hành động, ban hành và điều chỉnh cơ chế chính sách thu hút và phân bổ ngân sách phù hợp để thực hiện nghị quyết, tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà nghị quyết đã đề ra.

   ANH HUY

 

Có thể bạn quan tâm

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn trao tặng phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho người dân, cán bộ thôn Hà Ra, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang. Ảnh: N.N

Tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(GLO)- Phát huy truyền thống 94 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), Mặt trận các cấp trong tỉnh Gia Lai đã thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

Gia Lai: Khởi tố nữ kế toán trưởng tham ô tài sản

Gia Lai: Khởi tố nữ kế toán trưởng tham ô tài sản

(GLO)-Ngày 13-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Thanh Nghĩa (SN 1984, trú tại xã Kông Yang, huyện Kông Chro) là kế toán trưởng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de để điều tra về hành vi tham ô tài sản.