Người bình thường vào Sài Gòn lập nghiệp đã khó. Người khuyết tật cao 1,32m, đi không được, nói chẳng rõ tiếng, chẳng có trình độ học vấn, gia đình bên cạnh như tôi thì sự khó khăn có lẽ gấp 200 lần, thậm chí đòi hỏi cả liều mạng...
|
Trà My tin rằng mình có “duyên” gắn bó với Sài Gòn - Ảnh: NVCC |
Trở lại Sài Gòn
Trên hành trình tự lập ấy, ban đầu không có tiền thuê nhà trọ, tôi đã có gần 3 năm... xin ở nhờ. Hồi đó, cứ trước khi vào Sài Gòn, tôi đều viết dòng trạng thái trên mạng xã hội là cần xin một chỗ ở trong vòng vài tháng.
Vì lúc ấy công việc của tôi không ổn định, thu nhập không có nhiều, nên tôi chọn phương án đi đi về về chứ chẳng thể bám trụ ở Sài Gòn mãi được.
Sau khi rời làng Hòa Bình xong là tôi có gần 2 năm "chinh chiến" ở Hà Nội để tìm nhà xuất bản sách, và trong khoảng thời gian đó tôi nhớ Sài Gòn rất nhiều. Đôi khi chỉ cần vô tình nghe ai đó nói giọng miền Nam cũng đủ làm trái tim tôi nhói lên và chỉ muốn quay lại Sài Gòn.
Thậm chí có những đêm tôi đã khóc vì không biết mình còn cơ hội vào lại đó được không? Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng thấy mình đang ở Sài Gòn, chứ không phải là nơi nào khác.
Tôi vẫn biết và vẫn tin Sài Gòn không bao giờ phụ lòng người, nhất là những ai luôn nỗ lực cố gắng cho những giấc mơ đổi đời. Thôi thì cuộc đời này không cho ai cơ hội lần thứ hai, vậy nên chi bằng chính mình sẽ tự tạo ra cơ hội.
Tháng 6 năm 2009, tôi quyết tâm quay lại Sài Gòn kiếm tìm người giúp đỡ tổ chức buổi họp báo ra mắt tác phẩm Giấc mơ đôi chân thiên thần tại Sài Gòn.
Lúc đó, tôi đã quen một người bạn đang làm marketing cho trung tâm tiếng Anh. Thật ra, anh là người biết tôi thông qua bài viết trên báo Tuổi Trẻ 2 năm về trước và trở thành những người bạn trên Yahoo!.
Ngày tôi đặt chân xuống sân bay, anh là người ra đón. Khỏi phải nói tôi vui mừng như thế nào khi được quay lại Sài Gòn. Tôi vẫy vùng trong hạnh phúc như cô cá nhỏ được trở về cái ao của mình! Tôi được gặp lại những người bạn cũ và quen thêm rất nhiều bạn mới.
Tôi mới được sống thật với con người của mình, được tự do cười nói, không sợ phải rào trước đón sau, và tôi cũng chẳng hề có cảm giác mặc cảm giữa những người bình thường khác.
Anh bạn ấy dẫn tôi đến rất nhiều buổi sinh hoạt về sách để tìm đơn vị đứng ra tổ chức họp báo sách cho tôi.
Đi nhiều nơi, cuối cùng chúng tôi đã tìm được Câu lạc bộ Book and Friend. Đây là câu lạc bộ dành cho những bạn trẻ yêu thích đọc sách và cứ đến mỗi chủ nhật hằng tuần đều tổ chức các chương trình liên quan đến sách.
Sau khi làm xong buổi họp báo ra mắt sách, tôi đã xin chị trưởng nhóm cho tôi được làm thành viên của nhóm để nghĩ ra những chủ đề liên quan đến sách.
Và tất nhiên rồi, một lần nữa tôi lại phải chào Sài Gòn ra về sau ba tháng xin ở nhờ nhà trọ một anh bạn nằm trong con hẻm đường Nguyễn Kiệm.
Tôi vẫn nhớ đó là căn nhà trọ được chia ra nhiều phòng và mỗi phòng có rất nhiều người ở. Nhà anh ấy còn có thêm hai cô em gái nữa, nên ba đứa con gái chúng tôi cùng ngủ trên giường, còn anh và một người bạn nữa ngủ ở nền nhà.
Căn phòng trọ bé tí và sáng mở mắt ra mỗi người chia mỗi nẻo đi làm, tối về thì ai nấy tự ăn ngoài, chỉ có những ngày cuối tuần mới góp tiền lại nấu ăn chung. Rồi thỉnh thoảng người nhà của anh ở quê lên, có những đêm gần 10 người nhét trong căn phòng chưa đầy 16m2.
Tôi bắt đầu thấm cảnh ở nhà trọ từ đó, dù anh và nhiều bạn bè khác khi cho tôi ở nhờ đều không lấy tiền nhà.
Thi thoảng, tôi chỉ góp tiền ăn và tiền điện nước mà thôi. Những người bạn đặc biệt ấy giờ có những người mà gia đình họ nay đã xem tôi như con cái, và những dịp trọng đại đều mời tôi về quê chơi.
|
Sách Chúng ta chính là mùa xuân của Trần Trà My - Ảnh: NVCC |
Cô gái khuyết tật làm PR
Tôi vẫn nhớ những cảm giác khi sống trong căn nhà trọ đầu tiên đó. Nó chật chội, cũ nát và ngột ngạt, nhà vệ sinh thì ở ngoài, nên thường xuyên sống trong cảnh xếp hàng và chỉ có điểm cộng duy nhất là nó ở tầng trệt mà thôi.
Phía trước cổng có cái ghế đá và hằng đêm chúng tôi hay ra đó hóng mát, rồi cùng nhau hát hò tâm sự. Toàn những người xa quê, đi học, đi làm nên chúng tôi ai cũng đồng cảm và yêu thương nhau.
Tôi tiếp tục có thói quen nhìn lên bầu trời và tập trung hướng về nguồn năng lượng từ vũ trụ. Tôi tin rằng nhất định mình sẽ được định cư tại thành phố này, dù tôi biết phía trước tôi là cả bầu trời thử thách từ việc tìm chỗ ở phù hợp, tìm công việc để có tiền trang trải cuộc sống.
Tôi sinh hoạt ở Câu lạc bộ Book and Friend và đây là câu lạc bộ phi lợi nhuận, mọi người tham gia với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm.
Cá nhân tôi là người không hề biết viết những cái như kịch bản MC, kịch bản chương trình, kế hoạch PR cho sự kiện...
Tuy nhiên, tôi là đứa không sợ sai và từ bé đến lớn tôi là chúa tể của những câu hỏi. Tôi cứ mạnh dạn đề xuất, mạnh dạn làm việc và chịu khó học hỏi từ những cái sai của mình.
Đến năm 2010, cuốn sách thứ 2 của tôi mang tên Chúng ta chính là mùa xuân được xuất bản thì tôi quyết định bám trụ ở Sài Gòn, và rồi những chuỗi ngày thử thách lại đến. Tôi lại xin đi ở nhờ hết quận này đến quận khác.
Một con nhỏ khuyết tật đôi chân, 24 tuổi, thân hình chỉ bé bằng em học sinh lớp 2, nói năng không ai nghe được với cái vali to đùng quần áo và sách vở, lang thang hết quận này qua quận khác chỉ với duy nhất quyết tâm sống được ở đất Sài Gòn.
Tôi từng xin ở nhờ từ công ty dạy yoga của bạn tôi ở Phú Nhuận, rồi xuống quán phở của anh họ tôi ở Thủ Đức, rồi về Gò Vấp xin ở nhà trọ trong căn phòng 12m2 của một chị bạn.
Căn trọ bé xíu nằm sâu trong con hẻm nhỏ và hằng đêm hai chị em bạn tôi leo lên gác xép ngủ, còn tôi không leo được nên đành trải mảnh chiếu nhỏ nằm bên cạnh hai chiếc xe máy.
Phải nói thêm rằng thời đó tôi không dám đi xe ôm một mình, đi taxi thì không thể nào đủ tiền, nên mỗi lần đi đâu tôi vẫn phải nhờ người chở và tôi cũng may mắn khi xung quanh mình gặp vô vàn người tử tế.
Cái cảnh đi đâu cũng phải có người chở, hoặc mỗi lần đến những chỗ đông người tôi đều "thám thính" thử xem có ai ở gần khu mình sống không để lát nữa còn xin về.
Tuy nhiên, nhờ cái tính nhanh nhảu chủ động giao tiếp, dù có nhiều người chẳng thể nào nghe rõ tôi phát âm mà tôi vẫn có thêm rất nhiều bạn bè.
Một người đi lại không được, nói năng không ra tiếng như tôi nhưng lại chọn công việc làm PR là điều làm nhiều người khó hiểu. Thành ra khi tôi liên hệ công việc với các anh chị báo chí qua email thì chẳng ai biết tôi là người khuyết tật cả.
Tôi nhớ có lần liên hệ với một anh làm phòng quảng cáo báo để "book" bài quảng cáo cho sếp của mình. Lúc làm việc qua email, anh chẳng hề biết tôi là người thế nào, chỉ thấy cái tên Trà My nên anh biết tôi là con gái.
Tôi chủ động hẹn anh đi cà phê để hỏi kỹ thêm về giá cả. Lúc ra quán cà phê, tôi ngồi trước mặt anh mà anh cứ nhìn tôi bằng ánh mắt ngỡ ngàng.
Chắc anh thấy tôi phải nhúc nhắc lê từng bước bằng... 6 chân (2 chân khuyết tật cùng 4 chân của chiếc xe đẩy) và tôi nói chuyện với anh bằng những tiếng ú ớ mà anh không thể nào hiểu hết nổi. Còn tôi vẫn tỏ thái độ bình thường vì đã quá quen thuộc với cảnh này rồi.
Đến một hôm khác, tôi làm việc với một anh bên phòng quảng cáo của báo kia cũng vậy. Thậm chí trong suốt buổi cà phê anh cứ tròn xoe mắt nhìn tôi, nhưng rồi những ngày sau vẫn còn liên lạc lại với tôi...
Gia đình rất nghèo nhưng cuộc sống từ bé của tôi hễ mở mắt ra là gọi: "Mẹ ơi", "Ba ơi", "Em ơi" làm cho tôi cái này, lấy cho tôi cái kia và chỉ cần không đáp ứng đúng là tôi đã tỏ ra cáu gắt, dỗi hờn. Quyết tâm một mình vào Sài Gòn "khởi nghiệp", nghĩa là tôi phải tự đứng trên đôi chân khuyết tật của mình... |
2 giờ sáng, tôi đứng lặng trước ngôi nhà đóng kín cửa ở đường Tôn Thất Thuyết, quận 4 và mấy người nghiện đã đến gần tôi...
Kỳ tới: Trên đôi chân của mình
Theo TRẦN TRÀ MY (TTO)