(GLO)- Bất chấp những nỗ lực tuyên truyền và giải pháp tích cực của các cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ cháy, gây thiệt hại lớn về người, tài sản của người dân và doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ sự lơ là, chủ quan với công tác phòng cháy của người đứng đầu doanh nghiệp, sự thiếu hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về phòng-chống cháy nổ của người dân…
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy-Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) PC66, Công an tỉnh, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy, làm bị thương 5 người, với tổng thiệt hại về tài sản gần 1 tỷ đồng. Những vụ cháy trong thời gian qua, không chỉ xảy ra ở các hộ gia đình, nơi vừa là nhà ở, vừa được tận dụng làm địa điểm kinh doanh, khu vui chơi giải trí, chưa trang bị phương tiện chữa cháy mà còn xảy ra ở các nhà máy sản xuất, nơi luôn phải đề cao các quy định về an toàn lao động phòng-chống cháy nổ.
Ảnh: Hạ Vy |
Qua điều tra nghiệp vụ của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy trên được xác định có 2 vụ là do vi phạm các quy định về PCCC, 3 vụ do chập điện, 2 vụ cháy lan, 2 vụ do sự cố kỹ thuật và do bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa (các vụ còn lại đang xác minh làm rõ). Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn là do: “Sự lơ là, chủ quan và thiếu ý thức phòng-chống cháy nổ của người đứng đầu doanh nghiệp, sự thiếu hiểu biết của người dân…”-Đại tá Dương Thanh Bình-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh khẳng định. Điển hình cho lời khẳng định trên là vụ cháy lò sấy gỗ cao su xảy ra vào lúc 23 giờ, ngày 10-4, tại DNTN Tấn Lâm (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) làm thiệt hại lớn về tài sản của doanh nghiệp.
Đây là lần hỏa hoạn thứ 2 của doanh nghiệp này trong 2 năm qua (vừa cháy vào ngày 27-2-2014 đã bị xử phạt vi phạm hành chính), dù nguyên nhân được xác định là do sự cố kỹ thuật, nhưng qua vụ cháy lần này đã phản ánh sự thiếu ý thức trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp này khi để xảy ra hỏa hoạn. Tại thời điểm xảy ra cháy tại lò sấy gỗ cao su, qua ghi nhận của Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh, hệ thống máy bơm phục vụ cho công tác PCCC do lâu ngày không được bảo trì nên không phát huy tác dụng, lực lượng chữa cháy tại chỗ của doanh nghiệp vừa thiếu lại vừa yếu, nên trong quá trình chữa cháy lực lượng chức năng phải huy động toàn lực lượng vừa tham gia dập lửa, vừa vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp để tránh thiệt hại, nên phải đến gần 5 giờ sáng ngày 11-4 đám cháy mới được khống chế hoàn toàn.
Tuy nhiên, điều đáng báo động về những tồn tại và hạn chế trên không chỉ xảy ra đối với một vài cơ sở sản xuất mà chiếm số lượng lớn. Sau nhiều lần tham gia cùng các đoàn kiểm tra liên ngành về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng-chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư… những lỗi vi phạm đoàn kiểm tra phát hiện đều được kết luận rõ như: đơn vị không xây dựng phương án PCCC, lực lượng phòng cháy tại chỗ thiếu, trang-thiết bị, phương tiện chữa cháy chưa đúng quy chuẩn, không tập huấn và diễn tập phương án PCCC. Hệ thống nhà xưởng cũ nát, hệ thống điện sản xuất, sinh hoạt được lắp đặt, đấu nối chằng chịt, không đúng quy định, tiêu chuẩn về PCCC. Nhiều địa phương thiếu quan tâm trong công tác kiểm tra, tuyên truyền, nâng cao ý thức về PCCC cho người dân, doanh nghiệp, người lao động...
Cũng theo Đại tá Dương Thanh Bình: “Những hạn chế trên nhiều lần được cơ quan chức năng nhắc nhở, hướng dẫn khắc phục, thậm chí xử phạt nghiêm, nhưng vẫn còn nhiều đơn vị, cá nhân vi phạm. Thực tế, để thực hiện những quy định này không hề khó, chi phí về tiền bạc và thời gian không nhiều, nhưng sẽ giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình tránh được nguy cơ tiềm ẩn về hỏa hoạn có thể xảy ra. Nên trong những lần kiểm tra sắp tới, ngoài những tồn tại khách quan thì lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm với những đơn vị, cá nhân không chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC…”.
Hạ Vy