Một lòng hướng về Đảng, hướng về Tổng Bí thư
Tối 19/7, già Y Luyện Niê Kđăm (người Êđê, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội) cho biết ông rất buồn khi đón nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Đắk Lắk, năm 2018. |
Điều già Y Luyện tâm đắc và ấn tượng nhất về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự gần gũi, luôn quan tâm đến bà con các dân tộc Tây Nguyên.
“Khi vào Đắk Lắk, Tổng Bí thư hỏi về đời sống, sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là bà con các dân tộc nơi đây”, già Y Luyện nhớ lại và chia sẻ, bà con Tây Nguyên tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước.
Già Y Luyện Niê Kđăm - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk. |
Già Y Thịnh Bon Jôc Ju (người M’Nông, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, thời gian qua ông luôn dõi theo các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với già Y Thịnh, Tổng Bí thư là một nhà lãnh đạo có đức, có tài, là người kết hợp giữa cái tâm với trí tuệ để lãnh đạo Đảng, đất nước.
Già Y Thịnh đặc biệt ấn tượng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng. Công tác này được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng.
Già Y Thịnh Bon Jôc Ju - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. |
“Đảng, nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn hướng về Tổng Bí thư; mong muốn tư tưởng, tinh thần, hành động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục phát triển, giữ vững trong tương lai, để đất nước ngày càng phát triển", già Y Thịnh nói.
Già Y Thịnh mong muốn, người kế cận Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục gìn giữ và phát huy tư tưởng mà Tổng Bí thư đã hoạch định, nhằm đưa Việt Nam phát triển hơn, vững mạnh hơn, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân…
Hạnh phúc với "món quà" của Tổng Bí thư
Tháng 4/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai. Tại đây, Tổng Bí thư xuống thăm bà con xã Ayun (huyện Chư Sê) - địa phương nghèo nhất của tỉnh Gia Lai.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, động viên người dân tộc thiểu số ở xã Ayun, năm 2017. |
Sau khi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, cán bộ xã Ayun, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, ưu tiên bố trí nguồn vốn, sớm triển khai dự án thủy lợi Plei Keo nhằm cung cấp nguồn nước cho người dân sản xuất nông nghiệp.
Công trình có tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng, năng lực tưới khoảng 500 héc-ta cây trồng; trong đó, khoảng 400 héc-ta lúa nước 2 vụ và 100 héc-ta cây trồng khác.
Đến năm 2019, công trình hoàn thành. Nhờ vậy, người dân xã Ayun có nguồn nước mát để sinh hoạt, tưới tiêu cho hoa màu.
Ông Đinh A Nhur, trú tại làng Achông, xã Ayun (bìa phải). |
Ông Đinh A Nhur (73 tuổi, trú tại làng Achông, xã Ayun) rất vui mừng khi công trình thuỷ lợi hoàn thành, đưa dòng nước mát về các cánh đồng của gia đình. Ông Nhur chia sẻ, trước kia, đời sống của bà con dân làng khó khăn, sản xuất chủ yếu dựa vào nước mưa nên làm không đủ ăn, thường xuyên xảy ra đói mỗi khi giáp hạt. Từ khi có dự án thủy lợi Plei Keo, đưa nước sông Ayun lên bờ, lên núi, người dân đã biết sản xuất lúa nước 2 vụ, 3 vụ.
“Trước đây, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa nên thường xuyên mất mùa. Giờ có thuỷ lợi rồi, đời sống khấm khá lên, không còn lo đói nữa, nhiều hộ mỗi vụ thu cả trăm bao lúa”, ông Nhur chia sẻ.
Người dân xã Ayun có nước quanh năm để trồng lúa. |
Già làng Đinh Miơch (làng Achông) chia sẻ, dự án thủy lợi Plei Keo đã cho người dân ở làng Achông nói riêng, cả xã Ayun nói chung qua cơn “khát” trên mảnh đất cao nguyên nắng gió.
Nhờ có dự án thủy lợi Plei Keo, dân làng không lo thiếu đói nữa, cuộc sống ngày càng ổn định. “Dân làng chúng tôi hứa một lòng theo Đảng, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững và xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới”, già làng Đinh Miơch tâm sự.