(GLO)- Người dân thôn Tam Điệp (xã Hneng, huyện Đak Đoa) đang hoang mang khi trong thôn có một hộ buộc tiêu bằng dây nhựa làm tiêu bị chết thối, rụng đốt…
Đó là hộ bà Phạm Thị Mắn. Sau khi buộc bằng loại dây này 4-5 ngày, tại những nơi buộc, tiêu có hiện tượng thối thân và lá, rụng đốt, chết toàn bộ phần ngọn.
Loại dây bà Mắn dùng để buộc tiêu. Ảnh: Lê Nam |
Bà Mắn cho biết: Gia đình trồng hơn 200 trụ tiêu, từ năm ngoái và đang phát triển bình thường. Vừa qua, tôi mua dây nhựa màu đen về để buộc tiêu thì buộc đến đâu tiêu bị chết đến đó. Tôi buộc 18 trụ thì tất cả đều cùng triệu chứng giống nhau là thối thân, lá và rụng đốt, trong khi diện tích chưa buộc thì đang phát triển bình thường.
Người dân thôn Tam Điệp đang hết sức lo lắng bởi tiêu là loại cây trồng rất nhạy cảm với sâu bệnh hại, đầu tư kinh phí và công sức rất nhiều. Những ngày qua trên địa bàn có mưa lớn, nhưng người dân vẫn thường xuyên kiểm tra tình hình vườn tiêu của gia đình xem có xảy ra hiện tượng gì không. Thậm chí, nhiều hộ sau khi buộc tiêu xong phải tháo bỏ hoặc phải luộc dây qua nước sôi mới dám đem ra buộc tiêu…
Ông Nguyễn Văn Tùng-Bí thư chi bộ thôn Tam Điệp cho biết: Ngay sau khi hộ bà Mắn báo cáo có thể do dây buộc làm chết tiêu, chúng tôi đã kiểm tra nắm tình hình và tuyên truyền người dân dừng sử dụng loại dây trên để tránh chết tiêu. Tôi có lấy dây nhựa dùng để buộc tiêu của hộ bà Mắn về buộc thử vào trụ tiêu nhà mình thì sau 1 ngày tiêu có hiện tượng thâm đen tại nơi buộc. Người trồng tiêu đang rất hoang mang, không biết có phải nguyên nhân do dây buộc làm tiêu chết hay không, rất mong cơ quan chức năng kiểm tra nguyên nhân. Từ trước đến giờ, người dân vẫn thường sử dụng loại dây này để buộc tiêu.
Ảnh: Lê Nam |
Nhận được báo cáo của thôn Tam Điệp, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện và lãnh đạo xã Hneng đã xuống kiểm tra tình hình tại vườn bà Mắn. Ông Trần Văn Nghĩa-Trạm trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Đak Đoa cho biết: Tổng số trụ bị thối thân, lá và cháy đọt tại hộ bà Mắn là 18 trụ. Đây là những trụ đã được bà Mắn sử dụng loại dây nhựa màu đen. Ngoài số bị thiệt hại, vườn tiêu bà Mắn đang phát triển tốt, không có dấu hiệu bị sâu bệnh. Trước mắt, chúng tôi hướng dẫn hộ dân cắt bỏ phần ngọn bị thối để cây phục hồi trở lại. Đồng thời, khuyến cáo người trồng tiêu cảnh giác không sử dụng các loại dây nhựa trôi nổi bán trên thị trường.
Nguyên nhân làm cho tiêu của hộ bà Mắn chết chưa được xác định cụ thể. Cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, kiểm nghiệm nguồn gốc xuất xứ loại dây nhựa trên, tìm ra nguyên nhân dẫn đến thối đọt tiêu giúp người dân an tâm sản xuất.
Lê Nam