Tỉ phú USD trẻ nhất thế giới ở tuổi 25

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cái tên Austin Russell có thể còn xa lạ với nhiều người nhưng ở tuổi 25, chàng trai đến từ bang Califorina này đã trở thành tỉ phú mới, trẻ tuổi nhất thế giới nhờ Luminar Technologies – công ty khởi nghiệp chuyên phát triển và thương mại hóa công nghệ dành cho xe tự lái.

Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Luminar là một trong những nhân vật hiếm hoi có thể tích lũy khối tài sản kếch xù trong thế giới xe vận hành. Anh hiện là tỉ phú tự thân trẻ tuổi nhất thế giới.

"Quả là một hành trình căng thẳng, mệt mỏi… Chúng tôi phải trải qua chông gai, gian truân mỗi ngày để có được hiện tại. Tất nhiên, cơ hội để thoát khỏi những tháng ngày mệt nhoài đó là một phần thưởng tuyệt vời khi công ty bước vào thị trường và lớn mạnh dần thông qua phiên phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Tôi vẫn còn khá trẻ nhưng… đã nếm trải nhiều cay đắng, mồ hôi và nước mắt trong suốt hành trình này. May mắn là tôi có thể đạt được kết quả tương đối mỹ mãn" – Russell chia sẻ với tạp chí Forbes trong một buổi phỏng vấn trực tuyến từ văn phòng làm việc của anh ở TP Palo Alto, bang California – Mỹ.

 

 Austin Russell, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Luminar Technologies. Ảnh: Luminar
Austin Russell, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Luminar Technologies. Ảnh: Luminar


Austin sở hữu khoảng 104,7 triệu cổ phiếu, tương đương một phần ba cổ phần của Luminar, với tổng trị giá 2,4 tỉ USD. Các nhà đầu tư của Luminar bao gồm tỉ phú Peter Thiel, nhà đồng sáng lập nền tảng thanh toán kỹ thuật số Pay Pal (Mỹ) – người thường xuyên tài trợ những suất học bổng trị giá 100.000 USD cho những cá nhân kiệt xuất để họ theo đuổi giấc mơ.

Đây cũng chính là cách tỉ phú Thiel hỗ trợ Russell thành lập Luminar và ngoài ra, ông còn là cố vấn của chàng trai trẻ tuổi này kể từ khi anh từ bỏ Trường ĐH Stanford (Mỹ) để bắt đầu hành trình khởi nghiệp vào năm 2012.

Russell trở thành tỉ phú như thế nào?

Russell, người từng xuất hiện trong danh sách 30 gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 của Forbes vào năm 2018, đang hoàn thiện Lidar – hệ thống cảm biến giúp xe tự lái "nhìn thấy" môi trường xung quanh bằng cách chiếu tia laser vào các vật thể nằm trên đường đi của chúng. Đây vốn là nền tảng công nghệ dành cho xe tự lái đã chiếm được niềm tin của các tập đoàn lớn như Volvo Cars, Daimler và Intel's Mobileye.

Theo Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), doanh số của Luminar chỉ đạt khoảng 15 triệu USD vào năm 2020 song con số này có thể tăng lên ít nhất 1,3 tỉ USD vào năm 2026.

 

 Austin Russell sở hữu khoảng 104,7 triệu cổ phiếu, tương đương một phần ba cổ phần của Luminar, với tổng trị giá 2,4 tỉ USD. Ảnh: NASDAQ
Austin Russell sở hữu khoảng 104,7 triệu cổ phiếu, tương đương một phần ba cổ phần của Luminar, với tổng trị giá 2,4 tỉ USD. Ảnh: NASDAQ


Trước khi trở thành tỉ phú, Russell đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể. Theo thông tin được Forbes chia sẻ, Russell thuộc lòng bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học khi chỉ mới 2 tuổi.

Đến năm học lớp 6, Russell tái kết nối máy chơi game Nintendo DS vào điện thoại di động sau khi bị cha mẹ cấm. Ở độ tuổi 13, Russell đăng ký bản quyền sáng chế đầu tiên: hệ thống tái chế nước ngầm thu trữ nước từ các vòi phun nhằm giảm lãng phí nước.

Thay vì học trung học, Russell dành tuổi thiếu niên của mình tại Trường ĐH Califorina ở Viện nghiên cứu Lase Irvine Beckman. Sau đó, Russell được nhận vào Trường ĐH Stanford để theo học vật lý nhưng từ bỏ chỉ sau vài tháng, khi nhận được suất học bổng trị giá 100.000 USD từ tỉ phú Thiel.

Ngay khi được cấp bằng lái xe, Russell thành lập Luminar. Ngoại trừ những trường hợp được thừa kế tài sản, Russell là một trong số những người ít ỏi có thể trở thành tỉ phú trước tuổi 30.


 

Tỉ phú Peter Thiel, cố vấn của Austin Russell từ những ngày đầu. Ảnh: AP
Tỉ phú Peter Thiel, cố vấn của Austin Russell từ những ngày đầu. Ảnh: AP


Tương lai của Russell và Luminar

Thời niên thiếu, Russell xem Velodyne và những công ty khác sản xuất cảm biến laser nhưng khẳng định họ cần tạo ra những sản phẩm có chi phí phải chăng hơn nếu muốn chúng được đón nhận rộng rãi.

"Chúng tôi có thể đẩy nhanh hành trình khởi nghiệp vì chưa ai làm điều chúng tôi làm" – Russell khẳng định.

Mặc dù là một tỉ phú công nghệ, chàng trai đến từ California không sử dụng những trang mạng xã hội phổ biến như Twitter hay Instagram. Dù vậy, Russell thừa nhận anh học hỏi phần lớn kiến thức từ Wikipedia và YouTube.

 

Austin Russell muốn sử dụng hệ thống Lidar để cải thiện an toàn giao thông. Ảnh: AP
Austin Russell muốn sử dụng hệ thống Lidar để cải thiện an toàn giao thông. Ảnh: AP


Russell có niềm tin mãnh liệt rằng hệ thống Lidar có tiềm năng cứu sống mạng người, khi được sử dụng cho xe tự lái hoặc với những hệ thống trợ lái hiện đại mà Volvo và các nhà sản xuất ô tô khác đang sử dụng.

Russell đang đánh giá tác động của Lidar và lên kế hoạch đóng góp hệ thống này cho tham vọng bài trừ tai nạn xe cộ.

"Khi Lidar trở thành một công nghệ đảm bảo an toàn thế hệ mới cho xe cộ được sử dụng trong mọi phương tiện trên toàn thế giới, đó là thời điểm tôi sẽ tự tin khẳng định rằng chúng tôi đã đạt được mục tiêu đề ra" – nhà sáng lập Luminar tuyên bố.

Theo Cao Lực (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.