Tỉ phú lan giả hạc ở vùng biên Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sở hữu phòng thí nghiệm có thể nhân giống hàng tỉ cây lan “phủ xanh bản đồ chữ S”, anh Nguyễn Quốc Tư sớm trở thành tỉ phú nhờ bén duyên lan giả hạc.

Anh Nguyễn Quốc Tư (41 tuổi, kỹ sư ngành công nghệ sinh học) hiện là chủ vườn lan giả hạc có một không hai ở thị trấn Chư Ty, huyện biên giới Đức Cơ, Gia Lai.

Anh Tư được giới chơi lan chuyên nghiệp cả nước biết tiếng là tỉ phú lan và cũng là “cha đẻ thần dược Kha Ly” được giới chơi lan yêu chuộng. Câu chuyện anh Tư đến với lan cũng hơi lạ: Năm 2016, anh được bạn tặng nhành lan và đem lòng si mê, gầy dựng nên “vương quốc lan giả hạc” cho riêng mình từ đó.


 

 Anh Nguyễn Quốc Tư trở thành tỉ phú hoa lan và là cha đẻ của “thần dược” dịch chuối.
Anh Nguyễn Quốc Tư trở thành tỉ phú hoa lan và là cha đẻ của “thần dược” dịch chuối.


Có thể tạo hàng tỉ cây giống nhờ nuôi cấy mô

Chia sẻ về cơ ngơi, anh Tư bộc bạch: “Nói đây là vườn lan giả hạc lớn nhất nước là chưa toàn diện. Nhưng có thể nói tôi có một quy trình sản xuất lan hết sức bài bản, khoa học thuộc diện nhất cả nước. Từ khâu vườn giống cha mẹ đến tuyển chọn giống, lai tạo, gieo giống trong phòng thí nghiệm rồi đến trồng thương phẩm và xuất ra thị trường, tôi đều làm rất chuyên sâu. Hiện vườn tôi có khoảng 1 triệu cây lan giả hạc (bao gồm thương phẩm và nuôi cấy mô - PV), riêng cây cha mẹ có hàng ngàn giò. Quý nhất là những chậu lan giả hạc độc quyền Kha Ly”.

Theo anh Tư, trong nước hiện có rất nhiều vườn lan lớn về quy mô, nhất là giá trị tài sản từ lan đột biến. Nếu nói quy mô lớn phải tính gộp nhiều khía cạnh như công nghệ, trình độ kiến thức, giá trị kinh tế và cả số lượng lan đột biến của chủ vườn. Do vậy, anh chỉ tự hào mình là một trong những nhà vườn có quy trình sản xuất bài bản, khoa học mà thôi.

Anh nửa thật nửa đùa bảo: “Vườn lan giống của tôi có trên 200 loài lan giả hạc. Với công nghệ nuôi cấy mô, tôi có thể phủ xanh đất nước mình bằng lan. Bởi khả năng nuôi cấy mô ở phòng thí nghiệm, tạo ra các mầm lan con gần như là vô tận. Tôi cũng đã thành công cấy mô lan đột biến”.

Với lợi thế là kỹ sư ngành công nghệ sinh học và đam mê về lan, anh đã nghiên cứu, học hỏi rất sâu về cách chơi, kỹ thuật nuôi trồng. Nhờ vậy, sau khi gây dựng được vườn lan đủ lớn, anh đã bắt tay vào nghiên cứu nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm và đã thành công cho ra những giống lan chất lượng từ những nguồn gen đầu dòng.

Hiện tại, giá trị vườn lan của anh Tư đã lên đến vài chục tỉ đồng. Hằng ngày may mắn thì mở mắt ra anh đã có đơn hàng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Hiện anh đang thuê bốn kỹ sư làm việc cho mình và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động, cao điểm anh thuê 20-30 người.

 

 Lan giả hạc, “vua các loài lan”, trong vườn lan giống của anh Quốc Tư . Ảnh: LÊ KIẾN
Lan giả hạc, “vua các loài lan”, trong vườn lan giống của anh Quốc Tư . Ảnh: Lê Kiến
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chơi lan

Để hỗ trợ cộng đồng chơi lan, hằng tuần anh Tư đều có những buổi livestream trên YouTube, Facebook để chia sẻ kinh nghiệm chơi lan và hướng dẫn chuyên sâu về kỹ thuật, chăm sóc. Bạn bè, người chơi lan có nhu cầu kết nối, chia sẻ kinh nghiệm đều được anh tận tình hướng dẫn, không giấu nghề.


Trở thành “cha đẻ của thần dược Kha Ly”

Anh Tư cho biết anh chỉ chơi, nuôi cấy mô và kinh doanh thuần một loài lan là giả hạc. Chính nét đẹp thanh tao, quyến rũ, mùi thơm dịu nhẹ của lan giả hạc đã hấp dẫn anh từ ngày đầu đến với thú chơi lan.

Những dòng lan đặc hữu, đỉnh nhất của vườn anh được đông đảo giới sành lan biết đến, nhất là các giống lan đột biến giá trị cao như năm cánh trắng Đức Cơ, Kha Ly Đức… Đây là những dòng lan quý do anh phát hiện ra và đặt tên gắn với địa phương huyện Đức Cơ. Đối với dòng lan độc quyền Kha Ly (tên cơ sở lan của anh) đã có 30 giống cây mẹ.

Ngoài giống lan đột biến đặc hữu, anh còn dày công sưu tầm nhiều giống lan đột biến quý hiếm như hồng thoát tục, năm cánh trắng Tuệ Lâm… nhất là giống năm cánh trắng Thiện Tâm. Năm 2019, anh Tư cùng nhóm bạn tham gia hội đấu giá từ thiện ở Huế và đã đấu thành công cây lan giả hạc đột biến với giá 2,5 tỉ đồng do Việt kiều Lào bán. Sau đó, anh đặt tên cho cây lan này là năm cánh trắng Thiện Tâm - gắn với hoạt động từ thiện, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

 


Đặc biệt, anh Tư còn được giới chơi lan biết đến là “cha đẻ của thần dược Kha Ly”. Anh sáng chế ra hai loại “biệt dược” dành riêng cho lan gồm: Dịch chuối và phân bón lan dạng viên được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận.
 

“Từ thực tế chơi lan, phát hiện nhiều cây thiếu dưỡng chất khiến nó suy kiệt nên tôi mày mò nghiên cứu và đã chế ra dịch chuối thành công. Dịch này rất tốt cho cây lan và các loài rau quả, hoàn toàn tự nhiên, con người uống cũng được. Việc này còn tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người địa phương trồng chuối” - anh Tư cho biết.

Để làm ra sản phẩm này, anh Tư đã đầu tư nghiên cứu máy móc công nghệ trên 3 tỉ đồng. Chỉ riêng dịch chuối, mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất 300-500 lít và đã phân phối khắp toàn quốc. Năm 2019, giống phi điệp Kha Ly (giả hạc Kha Ly) của anh đã được chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh.

Nói về lan đột biến được hét giá cả chục, trăm tỉ đồng trong thời gian qua, anh Tư chia sẻ: “Những cây lan đột biến quý hiếm, giá trị lên tới tiền tỉ là có thật. Bởi đối với giới chơi lan, chúng rất có giá trị vì chúng hiếm và có giá trị nghiên cứu, bảo tồn rất cao. Nhưng trong thực tế, những cây lan này bị một số nhóm người tạo cơn sốt, đẩy giá lên cao để bán kiếm lời. Vừa qua, tình hình dịch bệnh, kinh tế suy thoái khiến lan rớt giá, cũng có không ít người phá sản. Giờ chỉ có nhà vườn chân chính, có nền tảng mới còn sống được”.

Anh Tư cho biết anh đang định hướng cho lan xuất ngoại để bán được giá cao hơn. Qua đó, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, người chơi lan trong nước cũng có nguồn thu lớn từ lan.

Hỗ trợ, chia sẻ với nhiều mảnh đời bất hạnh

Trong nhiều năm qua, anh Tư và nhóm chơi lan đã giúp đỡ cho hàng trăm hoàn cảnh khó khăn. Năm 2018 và 2019, nhóm các anh dành 8 tỉ đồng cho công tác từ thiện. Năm 2020, các anh hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số gặp khó khăn 2 tỉ đồng, riêng trong đợt lũ lớn miền Trung anh ủng hộ bà con 320 triệu đồng. Năm 2021, anh hỗ trợ người nghèo xấp xỉ 1 tỉ đồng và dự kiến năm 2022 sẽ tiếp tục giúp nhiều trẻ em mồ côi.


https://plo.vn/ti-phu-lan-gia-hac-o-vung-bien-gia-lai-post675272.html
 

Theo LÊ KIẾN (PLO)

Có thể bạn quan tâm

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.