Thủy điện Ialy: Hành trình tỏa sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 28-2-2016, Công ty Thủy điện Ialy kỷ niệm 16 năm Ngày thành lập. Trên hành trình 16 năm qua, tập thể cán bộ-công nhân viên (CBCNV) doanh nghiệp đối diện và từng bước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để tiếp nhận vận hành an toàn, hiệu quả.

Nhớ lại những năm đầu vận hành, Nhà máy Thủy điện Ialy vốn thường xảy ra các khiếm khuyết, thiết bị không đồng bộ. Thời gian sau đó phải làm công tác chuẩn bị sản xuất và tiếp nhận quản lý thêm 2 nhà máy mới là Sê San 3 và Plei Krông. Đến nay, Công ty Thủy điện Ialy đã quản lý 3 nhà máy lớn trên bậc thang thủy điện sông Sê San với tổng công suất lên đến 1.080 MW, sản lượng điện bình quân theo thiết kế là 5 tỷ 310 triệu kWh/năm, trải dài từ Gia Lai đến Kon Tum.

 

Thực hiện dịch vụ kỹ thuật tại thủy điện Hà Tây. Ảnh: Đ.P
Thực hiện dịch vụ kỹ thuật tại thủy điện Hà Tây. Ảnh: Đ.P

16 năm qua, CBCNV Ialy đã trải qua rất nhiều gian khổ để hoàn thành sứ mệnh “Khơi nguồn vàng trắng sông Sê San thành dòng điện sáng cho đất nước”. Trong hành trình đó, tập thể CBCNV đã đoàn kết nhất trí, cùng hướng đến mục tiêu chung và mỗi thành viên Công ty đã không ngừng học hỏi, phấn đấu vượt khó để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Sản xuất cung ứng điện năng an toàn, liên tục

16 năm kể từ ngày phát điện tổ máy số 1 thủy điện Ialy, đến nay cả 3 nhà máy do Công ty quản lý đã sản xuất được hơn 66 tỷ kWh (Ialy hơn 52,5 tỷ kWh, Sê San 3 hơn 11,26 tỷ kWh và Plei Krông là 2,5 tỷ kWh), chiếm tỷ trọng đáng kể trong toàn hệ thống điện quốc gia. Với sản lượng này, Ialy đã đóng góp một phần quan trọng trong tổng thu ngân sách địa phương của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum thông qua các khoản thuế tài nguyên nước, thuế giá trị gia tăng (VAT), phí dịch vụ môi trường rừng mỗi năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

 

Từ năm 2011 đến tháng 2-2016, tổng sản lượng điện của 3 nhà máy do Công ty quản lý đạt 66,6 tỷ kWh.

Để đạt được những con số ấn tượng như trên là sự nỗ lực, phấn đấu của từng thành viên Công ty, từ người lãnh đạo cao nhất đến mỗi công nhân. 3 nhà máy do Công ty quản lý được đưa vào vận hành với khoảng thời gian cách xa nhau. Thủy điện Ialy khởi công ngày 4-11-1993, ngày 12-5-2000 tổ máy số 1 phát điện hòa lưới; ngày 12-12-2001 tổ máy 4 phát điện. Thủy điện Sê San 3 có 2 tổ thì phát điện vào các ngày 23-4-2006 và ngày 28-7-2006. Hơn 3 năm sau vào ngày 12-5-2009, tổ máy số 1 thủy điện Plei Krông phát điện và tổ máy số 2 hòa lưới điện vào tháng 9-2009.

Bên cạnh đó, Công ty vừa tiếp nhận vận hành vừa xử lý các khiếm khuyết, hư hỏng của thiết bị trong giai đoạn đầu, sớm đưa các tổ máy vào hoạt động. Đến nay CBCNV doanh nghiệp không chỉ làm chủ trong công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên mà còn đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật để cải tạo những hệ thống thiết bị kém tin cậy. Có như vậy mới thật sự khai thác hiệu quả lượng nước phục vụ phát điện, tưới tiêu, cân bằng lưu vực và hạn chế thiệt hại về bão lũ, trong khi sự biến đổi về khí hậu, thời tiết thay đổi theo hướng bất lợi và khó lường hơn… Những khó khăn kể trên là thách thức lớn đã được CBCNV Công ty Thủy điện Ialy cần mẫn thực hiện và mang lại hiệu quả cao với sản lượng điện hàng năm luôn vượt kế hoạch giao.

Mở rộng hoạt động, nâng tầm thương hiệu

 

Tặng quà cho hộ nghèo. Ảnh: Đ.P
Tặng quà cho hộ nghèo. Ảnh: Đ.P

Từ năm 2005, Công ty Thủy điện Ialy chủ động mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật như: tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị; đào tạo phát triển nguồn nhân lực sửa chữa, vận hành; sửa chữa, thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị các nhà máy thủy điện và đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, từ tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị thủy điện Plei Krông, Công ty tiếp tục được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao thực hiện tư vấn giám sát thủy điện Sê San 4. Từ khóa đào tạo vận hành, sửa chữa đầu tiên cho 67 học viên thủy điện A Vương vào năm 2005, Công ty tiếp tục đào tạo cho học viên đến từ thủy điện Sông Bạc (tỉnh Hà Giang), thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La), thủy điện Dốc Cáy (Thanh Hóa), thủy điện Chi Khê (Nghệ An), thủy điện Sông Tranh, Sông Bung,  Sê San 4, Sê San 4A, Hòa Phú đến thủy điện Xekaman 1, Xekaman 3 đóng trên nước bạn Lào… nâng tổng số học viên đã đào tạo là gần 800 người. Từ “cái nôi Ialy” những học viên này đã có mặt trên mọi miền đất nước, thực hiện tốt nhiệm vụ vận hành, sửa chữa tại các nhà máy của mình. Ngoài ra, Ialy cũng là nơi hướng dẫn thực tập cho hàng trăm lượt sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.

Với lĩnh vực sửa chữa, thử nghiệm, hiệu chỉnh, tư vấn giám sát, Công ty đã khẳng định uy tín, chất lượng và sự chuyên nghiệp tại thủy điện Sê San 3A, thủy điện Hương Điền, thủy điện Đak Srông, Ayun Thượng… Từ những người thợ sửa chữa, các cán bộ kỹ thuật của Ialy đã đảm nhận vai trò làm chuyên gia tư vấn, hiệu chỉnh, lắp đặt, thử nghiệm, khởi động tổ máy số 1 thủy điện Sông Giang; thử nghiệm, hiệu chỉnh, đưa vào vận hành các tổ máy thủy điện Sông Bung 4, thủy điện Hòa Phú…, chủ trì xử lý thành công hư hỏng hệ thống kích từ tổ máy S7-Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, xử lý thành công hư hỏng của hệ thống điều tốc tổ máy số 2 thủy điện Quảng Trị. Nhưng đáng nhớ nhất chính là sự cố lũ quét gây ngập lụt toàn bộ Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak vào trung tuần tháng 11-2013. Tham gia với các đơn vị khác trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cán bộ, công nhân kỹ thuật của Ialy đã được giao chủ trì xử lý những hạng mục quan trọng của thủy điện An Khê-Ka Nak. Với tinh thần làm việc sáng tạo, tận tụy, cán bộ, công nhân Ialy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào việc sớm khắc phục sự cố đưa 2 tổ máy thủy điện An Khê vào vận hành an toàn, vượt ngoài dự tính và mong đợi.

Thành công từ việc mở rộng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động không chỉ là doanh thu mà xét trên phương diện khác, chính là tạo cơ hội để người lao động không ngừng được cọ xát thực tế, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề và thái độ chuyên nghiệp của mình, qua đó xây dựng và phát triển thương hiệu Ialy lên một vị thế mới, tầm cao mới.

Phát triển bền vững gắn với an sinh xã hội được lãnh đạo Công ty xây dựng thành chính sách và mục tiêu thực hiện. Là đơn vị hạch toán phụ thuộc nên để thực hiện các hoạt động này thì nguồn chủ yếu là huy động CBCNV. Từ năm 2000 đến nay, với nguồn đóng góp của CBCNV và quỹ phúc lợi, Công ty đã ủng hộ hàng tỷ đồng cho các tổ chức xã hội, giúp đỡ người nghèo và vùng bị thiên tai; xây mới, sửa chữa 19 căn nhà cho các gia đình nghèo ở địa phương. Riêng năm 2015, hơn 750 triệu đồng được CBCNV đóng góp để xây dựng 1 căn nhà cho hộ nghèo xã Ia Kreng (huyện Chư Pah); hỗ trợ chi phí mổ tim cho 1 cháu tại huyện Krông Pa; ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Gia Lai, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… và nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác.


Những kết quả trên cùng việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội tại các nhà máy, không để xảy ra cháy nổ, tai nạn lao động là một sự nỗ lực lớn. Công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật được chú trọng với hơn 100 đề tài được công nhận đưa vào áp dụng; chất lượng cuộc sống của người lao động được nâng lên từng năm. Môi trường sống, làm việc được cải thiện và tôn tạo… Công ty đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

Chìa khóa mở lối cho hành trình

Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đóng vai trò quan trọng, thì 16 năm qua công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp. Xác định đầu tư cho con người là hiệu quả nhất nên Công ty đã xây dựng chiến lược đào tạo theo hướng: một người giỏi một việc biết nhiều việc, một việc ít nhất phải có 2 người thành thạo. Với sự đa dạng về loại hình, phạm vi, đối tượng nên mỗi năm có hàng trăm lượt CBCNV được theo học các chuyên ngành, lĩnh vực phù hợp năng lực và nhu cầu công việc từng người. Ngoài ra, xây dựng môi trường làm việc nền nếp, cởi mở, thân thiện nhưng kỷ cương để CBCNV được học hỏi, sáng tạo, chia sẻ kiến thức; hiểu và tôn trọng những giá trị văn minh đích thực cũng được thực hiện…Đến nay, Công ty đã có 9 cán bộ có trình độ thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh, điện, tài chính-kế toán, 155 kỹ sư, 27 cao đẳng, 178 công nhân kỹ thuật. Đây là tài sản quý giá của doanh nghiệp, tạo ra uy tín, thương hiệu cho Ialy. Kiến thức tốt, kỹ năng thành thạo, thái độ tích cực cùng tinh thần đoàn kết, nhất trí của toàn thể doanh nghiệp đã mang đến những thành công, giúp Ialy tạo được dấu ấn mạnh mẽ qua 16 năm thành lập và phát triển cùng đất nước.

…Trước xu thế hội nhập và phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung và ngành điện nói riêng, chặng đường phía trước của Công ty Thủy điện Ialy có nhiều thời cơ và thách thức. Với truyền thống đã xây dựng và đạt được qua 16 năm thành lập phát triển, cùng sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, Công ty sẽ vượt qua khó khăn, tận dụng thế mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ, khẳng định vai trò, vị thế là lá cờ đầu về thủy điện ở Tây Nguyên, tiếp tục những bước đi vững vàng trên hành trình tỏa sáng của mình.

Đông Phong

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.