Thượng tọa Thích Chân Quang đang làm nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sĩ thứ 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Vương Tấn Việt trúng tuyển đào tạo tiến sĩ đợt 2 năm 2023 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Việt trúng tuyển cùng đợt với 98 thí sinh khác. Thông báo trúng tuyển được Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ban hành ngày 21/12/2023.

Tại thông báo này, ông Việt thuộc đối tượng xét tuyển từ thạc sĩ. Tuy nhiên, thực tế, ông Vương Tấn Việt chưa có bằng thạc sĩ mà ông chỉ được cấp bằng tiến sĩ.

Như thông tin Tiền Phong đã đưa, ông Việt tốt nghiệp văn bằng 2 hệ vừa làm vừa học Trường Đại học Luật Hà Nội loại giỏi năm 2019. Sau đó, ông đủ điều kiện để làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Luật. Đầu năm 2022, ông Việt được Trường Đại học Luật Hà Nội cấp bằng tiến sĩ sau thời gian học tập từ cử nhân lên tiến sĩ là 2 năm 3 tháng.

Do đó, ngày 29/12/2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có văn bản 5678 đính chính thông tin trong quyết định công nhận thí sinh trúng tuyển đào tạo tiến sĩ đợt 2 năm 2023 cho 5 trường hợp có sai sót về ngày tháng năm sinh, quê quán và đối tượng trúng tuyển. Trong đó, ông Vương Tấn Việt được điều chỉnh lại đối tượng trúng tuyển là Tiến sĩ ngành phù hợp.

Nói thêm về quy trình tuyển sinh đào tạo tiến sĩ, Trường Đại khoa khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết trong năm 2022- 2023, nhà trường tổ chức rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo từ bậc cử nhân đến tiến sĩ theo chỉ đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngày 10/8/2023, nhà trường ban hành Quyết định số 2892/QĐ-XHNV về Chương trình đào tạo (điều chỉnh) trình độ tiến sĩ ngành Tôn giáo học, mã số ngành 9229009 trong đó, quy định rõ danh mục các ngành phù hợp đối với ứng viên dự tuyển. Ngành Luật là một trong số các ngành thuộc nhóm ngành phù hợp 2 đối với ngành Tôn giáo học.

Thông báo Tuyển sinh sau đại học đợt 2 năm 2023 của trường được đăng tải trên website cũng như các kênh truyền thông của Nhà trường.

Hồ sơ ứng tuyển của ông Vương Tấn Việt gồm đầy đủ các văn bản theo yêu cầu của thông báo Tuyển sinh. Trong đó, bằng cấp cụ thể của ông Vương Tấn Việt như sau:

Bằng cử nhân ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội cấp năm 2019 (kèm bảng điểm) có công chứng.

Bằng tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh của Trường Đại học Hà Nội, hệ đào tạo từ xa, năm 2001 (bản sao từ sổ gốc có xác nhận của Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội).

Bằng tiến sĩ ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội cấp năm 2022 (kèm bảng điểm các học phần bổ sung chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ) có công chứng.

Ứng viên Vương Tấn Việt nộp một số bài báo khoa học đăng trên tạp chí Dân chủ và Pháp luật, một số bài khoa học in trong Kỉ yếu Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, và có một số công trình về lĩnh vực tôn giáo học do NXB Tôn giáo ấn hành, trong đó có Giáo trình thiền học, Thiền Meditation, Khí công là nền tảng của Thiền…

Ông Vương Tấn Việt dự tuyển tiến sĩ đợt 2 năm 2023 theo hình thức đánh giá hồ sơ chuyên môn.

Trước khi Hội đồng chuyên môn thẩm định xem xét về chuyên môn của ứng viên, Nhà trường tiến hành xem xét thẩm định điều kiện ứng tuyển.

Bộ môn Tôn giáo học gửi công văn ngày 28/8/2023 báo cáo thuyết minh hồ sơ dự tuyển tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học năm 2023 của ông Vương Tấn Việt. Trong đó, công văn của Bộ môn Tôn giáo học nêu rõ: ông Việt có năng lực nghiên cứu và am hiểu kiến thức ngành (thể hiện qua nhiều công trình khoa học công bố về tôn giáo); ông có bằng cử nhân Luật và bằng tiến sĩ Luật, có bảng điểm các học phần bổ sung chương trình đào tạo thạc sĩ Luật và Luật thuộc danh mục ngành phù hợp trong đối tượng tuyển sinh của ngành tôn giáo học. Do đó đề nghị được xét học tiến sĩ từ bậc tương đương thạc sĩ (trở lên) và học bổ sung kiến thức một số môn theo quy định.

Trường ĐH KHXH &NV đã ban hành thành Quyết định số 3278/QĐ-XHNV ngày 29/9/2023 thành lập Ban đánh giá mức độ phù hợp của các hồ sơ dự tuyển sau đại học đợt 2 năm 2023, để xem xét 11 trường hợp ứng viên có nguyện vọng dự tuyển thạc sĩ, tiến sĩ ngành Nhật Bản học; ứng viên dự tuyển tiến sĩ Tôn giáo học và ứng viên dự tuyển thạc sĩ Du lịch học. Trong đó, có ông Vương Tấn Việt là ứng viên dự tuyển tiến sĩ ngành Tôn giáo học.

Trên cơ sở ý kiến của các Hội đồng thẩm định điều kiện ứng tuyển, Nhà trường ban hành Quyết định số 4136/QĐ-XHNV ngày 18/10/2023 v/v thành lập Tiểu ban đánh giá hồ sơ chuyên môn của các ứng viên dự thi đào tạo bậc tiến sỹ ngành Tôn giáo học. Kết quả ông Vương Tấn Việt đủ điều kiện trúng tuyển và được công nhận nghiên cứu sinh theo QĐ số 5615/QĐ-XHNV ngày 29/12/2023.

Đến nay, nhà trường đã tổ chức đào tạo 3 học phần cho nghiên cứu sinh, hiện đang giao nghiên cứu sinh là tiểu luận.

Theo quy định của Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, danh mục ngành phù hợp 2 mà nghiên cứu sinh phải học bổ túc kiến thức trước khi đăng kí dự thi với ngành Tôn giáo gồm: Tâm lí học, Gia đình học, Xã hội học, Luật, Ngôn ngữ học...

Có thể bạn quan tâm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Học viên Lào trên đất Gia Lai

Học viên Lào trên đất Gia Lai

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Binh đoàn 15 đã tiếp nhận đào tạo cho 100 học viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Dẫu khác nhau về phong tục tập quán nhưng các học viên đã nhanh chóng hòa nhập và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để góp phần xây dựng đất nước.