Anh Sơn cho biết: “Khi phát hiện cháu không phải là con của mình, gia đình sốc, suy kiệt. Vợ khóc, gầy gần chục cân, con quấy khóc, kém ăn hẳn đi".
Giữa trưa nắng, chúng tôi tìm đến nhà anh Phùng Giang Sơn (ở thôn Vân Trai, xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội). Từ khi biết tin cháu Phùng Thanh H. không phải là con ruột của mình, gia đình anh từ già trẻ, lớn bé đều đứng ngồi không yên, mệt mỏi, kiệt sức vì lo cho các con.
Anh Sơn chia sẻ: Khi sinh cháu ở bệnh viện, phát hiện nhầm tã lót nhưng hỏi các bác sỹ, họ đều khẳng định là không nhầm. Ngày hôm sau, tắm cho cháu, anh Sơn cũng cẩn thận hỏi lại và các bác sỹ vẫn khẳng định không nhầm. Đến hôm được ra viện, gia đình anh cũng nghi ngờ hỏi lại trưởng khoa và các bác sỹ, họ cũng chỉ mắng nói không nhầm.
Anh Phùng Giang Sơn trả lời phóng viên báo chí sáng 12/7. |
Anh Sơn cho biết, gia đình đã đi xét nghiệm ở 3 bệnh viện khác nhau nhưng cũng đều cho kết quả là cháu H không phải là con ruột của vợ chồng anh, khiến chị Hiền (vợ anh Sơn) bị sốc một thời gian dài, sút gần 10kg. Cháu Phùng Thanh H. tâm lý bị xáo trộn, hay quấy khóc, ăn uống cũng kém hơn trước.
“Nuôi từ bé đến bây giờ, càng lớn càng không giống, dân làng hàng xóm cũng điều qua tiếng lại làm ảnh hưởng tâm lý của 2 vợ chồng. Có lúc vợ chồng cũng nghi ngờ nhau, mâu thuẫn. Bây giờ mình thương là thương các cháu, con mình dứt ruột đẻ ra mà không được nuôi, giờ thành ra thế này cũng khó xử, phức tạp lắm nhưng không biết làm thế nào”- anh Sơn cho biết.
Anh Sơn còn cho hay, hiện gia đình chỉ mong các cơ quan chức năng vào cuộc sớm để các cháu về đúng với gia đình của mình. Nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của các cháu, đến các thành viên trong gia đình, ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu, vì năm nay các cháu vào lớp 1.
Kết quả giám định ADN của anh Phùng Giang Sơn và cháu Phùng Thanh H. (Ảnh: GDCC) |
“Mình từ hồi biết tin đến giờ không làm ăn được gì, suốt ngày ở nhà đi tìm con, mất nhiều tiền của, thời gian công sức, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần. Gia đình nội ngoại sốt sắng, suy kiệt”- anh Sơn nói.
Chiều nay (12-7), trao đổi về vụ việc này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì cho biết, sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện đa khoa Ba Vì thừa nhận sai sót trong chuyên môn, đã trao nhầm 2 bé cho 2 gia đình tại bệnh viện cách đây 6 năm. Đồng thời, bệnh viện đã gặp gỡ 2 gia đình để tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay gia đình chị Vũ Thị Hương, người đang nuôi cháu Đoàn Nhật M. chưa sẵn sàng về tâm lý, chưa chấp nhận được sự thật nhầm lẫn.
Hiện Bệnh viện đã tiến hành xử lý kỷ luật hai nữ hộ sinh trong ca trực sáng 1/11/2012 là y sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai và Nguyễn Thị Đức. Theo đó không cho 2 nữ hộ sinh này tham gia công tác chuyên môn như trực, đỡ trẻ, tắm bé mà chuyển sang làm hành chính.
“Chúng tôi sẵn sàng, rất thiện chí trong vấn đề xử lý việc này nhưng vấn đề là 2 gia đình ngồi lại với nhau, thống nhất được mức hỗ trợ, đền bù tổn hại về tinh thần, vật chất trong thời gian từ khi phát hiện ra sự việc. Mức độ phù hợp với khả năng chi trả của đơn vị, của cán bộ thì chúng tôi sẵn sàng”- ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. |
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, hiện nay phía gia đình chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, ở xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) đưa ra số tiền đền bù khiến bệnh viện “giật mình”, phía gia đình anh Sơn cũng đưa ra mức đền bù và các khoản hỗ trợ chi phí làm xét nghiệm nên bản thân bệnh viện không có khả năng chi trả.
“Chúng tôi nhờ cơ quan pháp luật giải quyết theo thẩm quyền, thẩm định, xử lý như thế nào chúng tôi sẽ theo như thế; Từ nay đến thời điểm đó, tòa giải quyết mà chúng tôi tiếp tục ngồi lại được với 2 gia đình, thống nhất được mức chúng tôi có khả năng chi trả thì chúng tôi sẽ cố gắng làm mức tối đa để hai cháu về với gia đình của các cháu càng sớm càng tốt”- ông Hùng cho biết.
Thy Hạt (VOV)