(GLO)- Trong khuôn khổ tham dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại Gia Lai, chiều 30-11, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019.
Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bùi Văn Cường-Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trần Hồng Hà-Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đỗ Văn Chiến-Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Vũ Đại Thắng-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo một số bộ, ngành.
Về phía tỉnh có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Hoàn thành 20 chỉ tiêu chủ yếu năm 2018
Báo cáo với đoàn công tác của Thủ tướng, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh đã triển khai toàn diện, đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ của năm 2018. Dự kiến, 20/20 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ảnh: Đ.T |
Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng định hướng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; GRDP bình quân đầu người đạt 45,36%. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu có chuyển biến tích cực, giai đoạn 2016-2018 tỉnh đã thực hiện tái canh cà phê được 9.521 ha, đạt 69,7% kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt. Dự kiến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 28 làng nông thôn mới, 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước còn 10,34% (còn 35.704 hộ nghèo), giảm 3% so với năm 2017.
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao tại buổi làm việc với tỉnh trước đó (ngày 17-12-2016), Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: Trong 14 nhiệm vụ mà Thủ tướng chỉ đạo, hiện còn 3 nhiệm vụ chưa trình Trung ương, đó là: xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng cao; cơ chế đặc thù, ưu đãi một số chính sách cho tỉnh; cơ chế đặc thù cho Khu Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Đối với nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp, trong 2 năm 2017-2018 có 1.382 doanh nghiệp thành lập mới, tăng bình quân 20%/năm. Toàn tỉnh hiện có 4.892 doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có từ 6.500-7.000 doanh nghiệp hoạt động đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay có 136 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 15.350 tỷ đồng. Trong đó, 75 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động với vốn đầu tư khoảng 8.570 tỷ đồng; 30 dự án được ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với vốn đầu tư dự kiến 38.642 tỷ đồng.
Ngoài ra, các dự án thủy lợi cấp bách như: hệ thống hồ chứa nước Plei Thơ Ga có tổng mức đầu tư 222 tỷ đồng và hồ chứa nước Tầu Dầu 2 có mức đầu tư 197 tỷ đồng đang đề nghị các bộ, ngành Trung ương bố trí vốn trong năm 2019; dự án thủy lợi Pleikeo có mức đầu tư 77,9 tỷ đồng cũng đang được tỉnh đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo hoàn thành và giải ngân vốn vào cuối năm 2019.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư cho tỉnh khu lâm nghiệp công nghệ cao; triển khai 5 dự án giao thông cấp bách với tổng vốn hơn 725 tỷ đồng; đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 7.500ha rừng tự nhiên nghèo nằm trong vùng tưới Thủy lợi Ia Mơr để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy hiệu quả công trình; chuyển một phần diện tích cao su trồng trên đất rừng nghèo bị chết và kém phát triển sang đầu tư điện mặt trời, điện gió và trồng rừng thay thế trên diện tích khác.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có cơ chế đặc thù cho Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên trong phát triển du lịch để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; sớm bổ sung vào kế hoạch và cho triển khai tuyến đường sắt qua Tây Nguyên; cho chủ trương bổ sung dự án tuyến đường nối tỉnh Gia Lai với Phú Yên; triển khai 7 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai, giải quyết tình trạng thiếu biên chế trong ngành Giáo dục; đầu tư cho tỉnh bệnh viện phụ sản với quy mô 200 giường, tổng kinh phí đầu tư 300 tỷ đồng.
Thống nhất với nhiều kiến nghị, đề xuất của tỉnh
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham gia góp ý đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Ảnh: Đ.T |
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh rà soát lại các chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết đề ra để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đồng thời đề ra giải pháp quyết liệt thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt là tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc như công nghiệp chế biến chất lượng cao, đẩy mạnh đầu tư ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng điện mặt trời, điện gió. Chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyên canh trồng rừng gỗ lớn, chế biến sâu về gỗ. Tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch và có tầm nhìn xa; giữ gìn an ninh biên giới, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững; tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kêu gọi thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển kinh tế địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Bên cạnh “hạ tầng cứng” được Nhà nước đầu tư thì tỉnh phải chú trọng “hạ tầng mềm” đó là nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với một số đề xuất của lãnh đạo tỉnh Gia Lai, đồng thời yêu cầu các bộ, ban, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ Gia Lai như: đầu tư xây dựng khu lâm nghiệp công nghệ cao tại tỉnh, triển khai các dự án giao thông cấp bách và các dự án năng lượng tái tạo; bố trí kinh phí để trồng rừng, triển khai các dự án bố trí dân cư vùng thiên tai, giải quyết tình trạng thiếu biên chế trong ngành Giáo dục, phát triển du lịch…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ảnh: Đ.T |
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho phép tỉnh được phép bán điện đối với dự án điện mặt trời, điện gió theo cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù. Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh xem xét phương án chuyển đổi 7.500 ha đất rừng tự nhiên nghèo kém hiệu quả để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp cộng nghệ cao và khảo sát xem xét phương án chuyển đổi công năng của một phần diện tích cao su trồng trên đất rừng nghèo bị chết, kém hiệu quả. Đồng ý và đề nghị tỉnh nghiên cứu, lập dự án hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với đề xuất xây dựng tuyến đường nối tỉnh Gia Lai với Phú Yên…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi và tặng quà cho bà Lê Thị Hiến-cán bộ lão thành cách mạng hiện đang sinh sống trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Đ.T |
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã đến thăm, tặng quà, động viên, thăm hỏi sức khỏe, đời sống gia đình ông Nguyễn Trọng Đông-thương binh hạng 1/4 và gia đình bà Lê Thị Hiến-cán bộ lão thành cách mạng đang sinh sống trên địa bàn TP. Pleiku. Tại các nơi đến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn biết ơn sâu sắc những công lao, cống hiến, hy sinh to lớn của các gia đình chính sách đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Đồng thời, mong muốn gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tham gia các phong trào thi đua để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Minh Nguyễn