Hoàng Thị Ngọc là thủ khoa năm nay của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với 29.75 điểm khối C00 (tính cả điểm ưu tiên). Nữ sinh này là người dân tộc Nùng, học tại một trường THPT dân tộc nội trú của tỉnh Đắk Lắk.
|
Hoàng Thị Ngọc, tân thủ khoa của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: NVCC |
Vào ngày 20.9, niềm vui đã đến với Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) khi cả trường biết tin Hoàng Thị Ngọc, học sinh của trường đã trở thành thủ khoa của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong mùa tuyển sinh năm nay. Ngọc đạt 29.7 điểm nếu tỉnh cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Nếu không tính điểm ưu tiên, Ngọc đạt 27 điểm khối C00 (Văn 9.25, Sử 9.25, Địa 8.5).
Hành trình xa nhà của thủ khoa
Hoàng Thị Ngọc sinh ra tại thôn 23, xã Cư Bông, H.Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, một thôn có rất nhiều người nhập cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào địa phương này. Bố mẹ của Ngọc ở tỉnh Bắc Giang, vào Đắk Lắk từ năm 1999, đều là người dân tộc Nùng. Cả gia đình ban đầu trồng điều, sau đó chuyển qua trồng rất nhiều loại cây trồng có giá cả tốt hơn. Kinh tế gia đình phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp bấp bênh theo thời vụ như vậy.
Từ nhà của Ngọc đi đến thị trấn H.Ea Kar cũng gần 30 km. Quãng đường khá xa nên ngay từ năm lên lớp 6, Ngọc đã ra ở nội trú để học tại Trường THPT dân tộc nội trú Ea Kar. Mỗi tuần, Ngọc mới về nhà một lần. Đến năm lớp 10, em lại chuyển lên TP.Buôn Ma Thuột để tiếp tục ở nội trú để học tại Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng.
Ngọc kể việc xa nhà và tự lập đã trở thành thói quen nên việc tự lập đã trở nên rất bình thường. Đầu tuần, em từ nhà lên trường để học. Đến cuối tuần lại về nhà giúp bố mẹ làm nông. Hiện nay, gia đình đang chuyển sang trồng nhãn vì cả xã trồng rất nhiều để thay đổi canh tác. Vì nếu trồng theo canh tác của địa phương thì đầu ra ổn định hơn. Việc trồng nhãn ở giai đoạn ban đầu còn đòi hỏi rất nhiều công sức nên những ngày vừa qua, khi thi xong về nhà, Ngọc cũng phụ giúp rất nhiều bố mẹ.
|
Hoàng Thị Ngọc (trái) chụp hình cùng bạn trước cổng trường. Ảnh: NVCC |
Ở trường, Ngọc thích nhất là môn văn và có tình yêu đặc biệt với môn học này. Mặc dù năm lớp 12, Ngọc lại tham gia thi học sinh giỏi môn lịch sử và đoạt giải Ba của tỉnh. Ở trường, Ngọc là người mà các thầy cô ở thư viện "quen mặt" vì hay đến đây đọc sách, mượn sách cũng như mượn máy tính của trường để truy cập internet tìm thông tin. Nhiều khi Ngọc còn đề nghị thư viện nhập thêm một số sách để học sinh có thể đọc thêm. Ngọc cũng là "học trò cưng" của cô giáo dạy văn nên cô cũng đưa cho em rất nhiều sách và tài liệu tham khảo.
Kể lại về các môn thi vừa qua, tân thủ khoa cho biết môn lịch sử và địa lý thi trắc nghiệm nên khi thi xong, Ngọc có thể biết được điểm của mình sẽ nằm ở mức nào. Nhưng với môn văn thì Ngọc không ngờ mình có điểm cao như vậy.
"Thật sự em không nghĩ mình điểm cao như vậy. Vì bài thơ "Sóng" (Xuân Quỳnh), em đã học qua nhưng không đọc thêm nhiều. Khi vào phòng thi, em dựa vào câu thơ để phân tích và nhớ đến các tác phẩm liên quan nói về nỗi nhớ. Riêng phần viết về bài nghị luận xã hội thì em khá tâm đắc. Đề thi nói về sự cống hiến nên em viết về sự cống hiến kéo dài từ thời phong kiến, thời chiến tranh cho đến thời nay, khi cả nước đang phòng, chống dịch Covid-19. Em là học sinh giỏi lịch sử nên trước đó em học rất nhiều các kiến thức lịch sử của đất nước từ xưa đến nay. Nhờ những kiến thức này, em đưa ra những dữ kiện, phân tích rất nhiều. Còn thời nay, em cũng đọc sách, báo, xem tin tức nhiều nên cũng có nhiều dữ liệu để làm".
Chọn ngành vì yêu thích tư vấn tâm lý
Nói về cô học trò cưng của mình, cô Nguyễn Thị Mai Hương, giáo viên môn văn, Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, cho biết Ngọc là một học sinh rất đặc biệt và có sự nỗ lực trong học tập rất tuyệt vời. Ngọc rất ngoan, học cực kỳ chăm chỉ. Mặc dù xa gia đình nhưng em rất có ý thức trong việc học. Cũng vì là môi trường ở nội trú nên tính tự học của học sinh được rèn giũa rất nhiều. Trong đó, Ngọc càng xuất sắc ở việc tự học như vậy.
|
Ngọc cùng cô giáo dạy văn của mình. Ảnh: NVCC |
Cô Mai Hương kể lại: "Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng có đầu vào của học sinh đa phần rất yếu vì tất cả là học sinh người dân tộc thiểu số. Các em cũng không được đi học thêm như học sinh các trường khác mà chỉ học từ thầy cô và quan trọng nhất là tự học. Ngay cả Ngọc, từ ban đầu khi vào trường, em còn là học sinh rất bình thường. Nhưng sau 3 năm học tại môi trường này, đa số học sinh có tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt là Ngọc, em rất chịu khó tìm tòi tài liệu môn văn và thường xuyên hỏi cô. Cô về đến nhà, Ngọc còn liên hệ nhắn tin qua lại với cô để hỏi, nhờ sửa bài... Không những giỏi văn, em còn học rất giỏi môn sử nên khối C00 là khối thi mà em có lợi thế nhất để đăng ký thi".
Cô Mai Hương cho biết, khi Ngọc thi xong môn văn, hai cô trò trao đổi rất nhiều. Cô cũng không nghĩ em có số điểm môn văn cao đến 9.25 như vậy vì còn một số điểm hai cô trò vẫn cảm thấy tiếc. Đến khi công bố điểm thi, hai cô trò thức đến 2 giờ sáng để canh điểm và trò chuyện. Biết được điểm thi, cả cô và trò đều vỡ òa vì quá sung sướng.
|
Tân thủ khoa trong một khoảnh khắc đời thường chụp tại sân trường. Ảnh: NVCC |
Tân thủ khoa Hoàng Thị Ngọc cho biết em chọn ngành tâm lý học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngay từ nguyện vọng 1 khi đăng ký dự thi. Ngọc thích giao tiếp, là người hay được bạn bè nói chuyện, chia sẻ về nhiều điều và chính em cũng thích nghe người khác tâm sự. Em thích về tâm lý nên thầy cô cũng hướng nghiệp cho Ngọc chọn ngành này để học ĐH. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lại là trường em thích nhất và chọn lựa trường này.
"Em cũng có tìm hiểu qua về công việc sau này khi học ngành tâm lý học. Nhưng ở thời điểm hiện tại, em chỉ muốn học thật tốt, sau khi tiếp xúc nhiều với ngành này thì có lẽ sẽ có chọn lựa về việc làm tốt hơn khi ra trường", tân thủ khoa tâm sự.
Theo Đăng Nguyên (TNO)