Thông tư 24: Đi đăng ký xe được cấp lại biển số định danh có mất phí?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo Thông tư 24, nếu có biển số định danh đang thu hồi trong 5 năm, người dân đi đăng ký xe sẽ được cấp lại biển số định danh. Nhiều người thắc mắc trường hợp này có tốn 'tiền ra biển số'?

Theo Thông tư 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 15.8, biển số định danh được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe.

Khi bán xe, chủ xe phải giữ lại biển số, cà vẹt xe đến nộp cho cơ quan đăng ký xe (thủ tục thu hồi). Trong vòng 5 năm, nếu chủ xe đi đăng ký xe khác thì cơ quan đăng ký xe sẽ làm thủ tục đăng ký mới với chiếc xe mới này, biển số giữ nguyên.

Cơ quan chức năng không giới hạn số lượng biển số định danh của mỗi người. Hiểu cách khác, mỗi người chỉ có 1 mã định danh (số trên CCCD) nhưng có thể có nhiều biển số định danh, mỗi biển số gắn với 1 xe.

Từ ngày 15.8, biển số xe định danh được quản lý gắn với mã định danh của mỗi người. Ảnh: Vũ Phượng

Từ ngày 15.8, biển số xe định danh được quản lý gắn với mã định danh của mỗi người. Ảnh: Vũ Phượng

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Theo quy định hiện hành, người dân mua xe cũ không cần tốn tiền đi đăng ký biển số mới. Còn theo Thông tư 24, người dân mua xe cũ đi đăng ký biển số hoặc mua xe mới nhưng được cấp lại biển số định danh đã thu hồi trước đó thì có tốn "tiền ra biển"?

Trả lời thắc mắc trên, lãnh đạo một đội CSGT phụ trách đăng ký xe tại TP.HCM cho biết, với đăng ký xe lần đầu (đăng ký cho một chiếc xe mới), sau khi cán bộ đăng ký xe kiểm tra hồ sơ xe, thực tế bảo đảm hợp lệ thì người dân được cấp lại biển số định danh đối với trường hợp biển số định danh đó đã được thu hồi. Sau đó, người dân nhận chứng nhận đăng ký xe, biển số xe tại cơ quan đăng ký xe hoặc từ đơn vị dịch vụ bưu chính công ích.

Khi bán xe người dân phải nộp lại biển số và đăng ký xe cho cơ quan đăng ký xe. Ảnh: Vũ Phượng

Khi bán xe người dân phải nộp lại biển số và đăng ký xe cho cơ quan đăng ký xe. Ảnh: Vũ Phượng

Vị này giải thích, tại TP.HCM, mức lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông được áp dụng theo Thông tư 229/2016 của Bộ Tài chính và Nghị quyết 12/2019 của Hội đồng nhân dân.

Theo đó, lệ phí trước bạ của xe như sau:

Xe máy dưới 15.000.000 đồng: từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Xe máy từ 15.000.000 – 40.000.000: từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng. Xe máy trên 40.000.000 đồng: từ 2.000.000 – 4.000.000 đồng. Xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống: từ 2.000.000 – 20.000.000 đồng.

Như vậy, nếu đăng ký cho 1 chiếc xe mới mua thì người dân sẽ vẫn phải đóng các lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông như bình thường.

Trường hợp đi đăng ký cho 1 chiếc xe cũ (xe mua lại từ người khác đã qua sử dụng) thì người dân chỉ phải đóng phí cấp đổi giấy đăng ký kèm theo biển số theo quy định tại Thông tư 229/2016 của Bộ Tài chính: 50.000 đồng (đối với xe máy); 150.000 đồng (đối với ô tô) với trường hợp cấp đổi giấy đăng ký kèm theo biển số và 100.000 đồng tiền cấp lại biển số.

"Biển số sau khi thu hồi cơ quan đăng ký xe sẽ hủy khung biển số, lưu số trên hệ thống. Khi người dân đi đăng ký lại 1 xe khác và được cấp biển số đã thu hồi này thì cơ quan đăng ký xe sẽ dập lại biển số (in mới) với số đã lưu trên hệ thống", CSGT giải thích.

Có thể bạn quan tâm

Lộ trình ngược

Lộ trình ngược

Kể từ thời điểm áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) đối với ô tô sản xuất nội địa và nhập khẩu đến nay đã gần 3 năm, hàng trăm ngàn xe đạt tiêu chuẩn đã được đưa ra lưu thông nhưng nguồn nhiên liệu tương ứng lại không đủ cung cấp.