Thông tin giá sầu riêng ở Đắk Lắk rớt thê thảm là không chính xác

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thông tin giá sầu riêng ở nhiều tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk rớt thê thảm là không hoàn toàn chính xác, bởi sầu riêng Ri6 ở Tây Nguyên đã vào cuối vụ, trong khi sầu riêng DONA giờ mới đang vào vụ.
Sầu riêng có giá thấp chỉ là hàng... "dạt"
Thời gian gần đây có nhiều thông tin cho rằng, giá sầu riêng ở Đắk Lắk giảm sâu, chỉ còn 25.000-30.000 đồng/với sầu riêng Ri6, trong khi giá sầu riêng hạt thậm chí chỉ còn 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Trong một cuộc họp trực tuyến với các địa phương phía Nam mới đây, nhắc lại thông tin về giá sầu riêng rớt thê thảm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải thật cẩn trọng, chính xác đối với những thông tin về giá cả nông sản.
"Tôi có nghe thông tin giá sầu riêng ở Tây Nguyên rớt thê thảm, nhưng khi tìm hiểu thì thực tế không phải, loại sầu riêng bán với giá rẻ chỉ là hàng "dạt", trồng không theo quy chuẩn, còn loại sầu riêng ngon, có truy xuất nguồn gốc thì chưa vào vụ. Tuy nhiên, thông tin này có thể làm khó cho nông dân và cả doanh nghiệp đi thu mua, xuất khẩu vì dễ bị ép giá" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 
Tỏ ra rất bức xúc trước thông tin gây bất lợi cho nông dân này, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, một doanh nhân có nhiều năm kinh doanh trái cây cho biết, sầu riêng có ít nhất 8 loại, trong đó có loại chỉ lấy hạt ươm cây ghép. Theo bà Thực, loại này giá rẻ như cho.
Trong khi đó, bà Thực cho biết, hiện sầu riêng Ri6 ở Đắk Lắk và Tây Nguyên đã cuối vụ, hầu như đã hết hàng. Qua khảo sát, giá sầu riêng Ri6 loại 1 mua tại vựa dao động từ 37.000 - 38.000 đồng/kg.
Còn sầu riêng DONA đang vào vụ, loại này xuất khẩu là chính, giá sầu riêng DONA hàng loại 1 nhập tại vựa đã dao động từ 45.000 - 48.000 đồng/kg.
Cũng theo bà Thực, thực tế, với sầu riêng loại 1, chi phí từ lúc thu hái ở vườn đến lúc lên xe đã dao động trong khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg.

Thương lái thu mua sầu riêng tại vườn trên địa bàn huyện Krông Pắc, niên vụ 2020. Ảnh: Báo Đắk Lắk.
Thương lái thu mua sầu riêng tại vườn trên địa bàn huyện Krông Pắc, niên vụ 2020. Ảnh: Báo Đắk Lắk
Cũng theo bà Thực, trong điều kiện dịch Covid-19 có thể gây khó khăn trong quá trình lưu thông, vận chuyển, các cơ sở nên bán sầu riêng bóc múi bảo quản lạnh hoặc cấp đông như hàng xuất khẩu; có thể tiếp cận các sàn thương mại điện tử, bán online để giảm chi phí logistic.
"Từ trước đến nay, giá sầu riêng vẫn cao, loại quả được mệnh danh là vua của các loại quả được thị trường Trung Quốc ưa chuộng và là nơi tiêu thụ lớn nhất thế giới. Vì vậy, đừng nên thông tin "vua" của các loại trái cây đang mất giá một nửa, gây khó khăn cho người trồng vì có thể bị ép giá" - bà Thực nói.
Đắk Lắk đang nỗ lực kết nối tiêu thụ sầu riêng
Thực tế, để chủ động tiêu thụ một lượng lớn sầu riêng đang sắp vào vụ (khoảng 103.000 tấn), UBND tỉnh Đắk Lắk đã gửi văn bản cho Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin truyền thông và một số tỉnh thành phố như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng…
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk mong muốn các bộ ngành, các tỉnh, thành phố quan tâm, hỗ trợ giúp tỉnh Đắk Lắk quảng bá, tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ bơ, sầu riêng... của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương khác giới thiệu, kết nối các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp phân phối lớn để thúc đẩy tiêu thụ bơ, sầu riêng của tỉnh.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa của tỉnh Đắk Lắk đi qua và đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngành Công Thương Đắk Lắk cũng đã lên kế hoạch kết nối với các đầu mối thị trường, tìm kiếm các chuỗi cung ứng để chủ động giúp nông dân tìm đầu ra cho các loại nông sản, trong đó có sầu riêng.
Trong khi đó, huyện Krông Pắc, nơi có hơn 3.300ha sầu riêng, chủ yếu là DONA đang chuẩn bị vào vụ cũng đã thành lập tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 lưu động, nhằm hỗ trợ thương nhân và công nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở thu mua sầu riêng trên địa bàn, để đảm bảo sự chủ động, an toàn trong mùa thu hoạch sầu riêng năm 2021.
Theo Khánh Nguyên-Ngọc Giàu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.