Thiếu hàng vạn liều vắc-xin bạch hầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 4-7, một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông cho biết ngành y tế tỉnh đang thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của bệnh bạch hầu. Trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại bon Bu N’doh, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, nâng tổng số ca mắc bệnh bạch hầu lên 16.
Theo đó, ngày 30-6, Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp tiếp nhận cháu Đ.K (SN 2003) nhập viện với triệu chứng sốt, ho, đau họng… nghi mắc bệnh bạch hầu. Ngay sau đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, giám sát, theo dõi, cách ly. Ngành y tế đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và vừa được thông báo bệnh nhi K. dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Sau khi phát hiện cháu Đ.K mắc bệnh bạch hầu, cơ quan chức năng đã lập 3 điểm chốt chặn, khoanh vùng, cách ly toàn bộ các hộ gia đình tại ổ bệnh. Ngành y tế đã bố trí nhân lực, vật tư y tế tiến hành các khâu khử khuẩn, khám sàng lọc, điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiêm vắc- xin phòng chống dịch cho hơn 700 người trong bon Bu N’doh và các khu vực lân cận.
Cán bộ y tế cấp phát thuốc điều trị dự phòng cho người dân vùng dịch bạch hầu ở tỉnh Đắk Nông
Cán bộ y tế cấp phát thuốc điều trị dự phòng cho người dân vùng dịch bạch hầu ở tỉnh Đắk Nông
Từ đầu tháng 6 tới nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện nhiều ổ dịch bạch hầu. Đến nay, tổng cộng 16 người đã mắc bệnh, trong đó 2 cháu nhỏ tử vong. Tỉnh Đắk Nông đã lập các chốt chặn cách ly và điều trị dự phòng bệnh bạch hầu cho hàng ngàn người trong vùng dịch và rà soát, khám sàng lọc ở những khu vực có nguy cơ bùng phát bệnh.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, hiện ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống bệnh bạch hầu, đặc biệt là thiếu nhân lực và vật lực. Khi phát hiện 1 trường hợp mắc bệnh bạch hầu thì cũng như Covid-19, những người tiếp xúc gần phải được lấy mẫu đi xét nghiệm, những người sinh sống trong khu vực phải được điều trị dự phòng nên rất tốn kém kinh phí. Bên cạnh đó, hiện ngành y tế tỉnh đã rà soát và thống kê cần ít nhất 82.000 liều vắc-xin bạch hầu để tiêm chủng bổ sung.
"Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã hỗ trợ 10.000 liều. Số còn lại, kinh phí của tỉnh chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đang kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ" - vị này cho biết thêm
Đắk Lắk tập trung tiêm dự phòng cho trẻ
Ông Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngành y tế đã có kế hoạch tiêm phòng bạch hầu cho trẻ trên toàn tỉnh vào tháng 9. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, Sở Y tế dự kiến từ ngày 10-7, sẽ tiêm trước cho trẻ 7 tuổi ở huyện Lắk, nơi giáp ranh với huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) đã có ổ dịch bạch hầu.
Theo ông Trí, Đắk Lắk tuy chưa có ca nhiễm nhưng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) đang điều trị cho các ca dương tính và nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu từ tỉnh Đắk Nông đưa sang.
Trước đó, năm 2019, tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cũng xuất hiện ổ dịch bạch hầu khiến 1 trẻ tử vong nên nguy cơ xuất hiện dịch bệnh hiện nay là khá cao. Ngành y tế Đắk Lắk đang tăng cường giám sát, chủ động phòng chống.
Bài và ảnh: Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm