Thiếu gia Cà Mau bị bắt có trên 433 tỷ tại Công ty Công Lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ một công ty có vốn đều lệ 7 tỷ đồng, sau gần 20 năm số vốn này tăng lên 1.450 tỷ đồng. Tô Công Lý nắm giữ 30% tổng số vốn của công ty, với trên 433 tỷ đồng.

Ba ngày sau việc ông Tô Công Lý (35 tuổi), Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý), bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giới kinh doanh ở miền Tây chưa hết ngạc nhiên và vẫn còn bàn tán không ngớt.

Tô Công Lý là con trai một của đại gia điện gió Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Công Lý.


 

 Tô Công Lý. Ảnh: N.T.
Tô Công Lý. Ảnh: N.T.



Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH hai thành viên trở lên do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cấp ngày 28/2/2017, Công ty Công Lý thành lập ngày 10/11/2000 và đã qua 20 lần thay đổi giấy đăng ký kinh doanh.

Công ty Công Lý có trụ sở trên đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP Cà Mau, với vốn điều lệ là 1.450 tỷ đồng. Trong đó, ông Lý chiếm 29,88% (433,3 tỷ đồng), còn lại trên 1.016 tỷ đồng thuộc về người cha Tô Hoài Dân.

Theo giấy phép kinh doanh, ngoài điện gió, Công ty Công Lý hoạt động đa lĩnh vực như: Xây dựng; du lịch; vận tải; xử lý rác thải; chế biến và kinh doanh phân vi sinh, các sản phẩm nhựa tái chế; mua bán thiết bị điện....

Ông Tô Hoài Dân sinh ra và lớn lên ở Nam Chánh, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Trước khi thành lập công ty chuyên ngành xây dựng, ông Dân từng làm trong ngành điện lực, gia đình có nghề đóng lưới đáy (dụng cụ bắt tôm, cá) trên sông nước Cà Mau.

Cuối năm 2000, sau khi có vốn ông Dân thành lập Công ty Công Lý, chuyên ngành xây dựng, thi công cầu đường, có trụ sở ở TP Cà Mau, với vốn điều lệ 7 tỷ đồng. Công ty này chủ yếu tham gia làm các công trình giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi và cầu.

2 Siêu xe Tô Công Lý thường sử dụng đã được thiếu gia này che biển số ngoại giao khi đăng trên mạng xã hội.

Từ năm 2001-2009, Công ty Công Lý thực hiện 9 công trình đường giao thông và 7 cây cầu với tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng. Cụ thể là dự án bờ kè vành đai Biển Đông (Cà Mau), gói thầu số 1 và 12 tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn - Đất Mũi, giá trị trên 200 tỷ đồng).

Ngoài ra, doanh nghiệp của gia đình ông Lý còn trúng một số gói thầu làm mặt đường, nền đường, cống thủy lợi tuyến đường Khai Long - Mũi Cà Mau (trên 35 tỷ đồng).

Đến tháng 4/2010, Công ty Công Lý tổ chức lễ khởi công dự án Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, vốn đầu tư 329 tỷ đồng, công suất xử lý 200 tấn rác thải/ngày.

Dự án này thực hiện theo chính sách ưu đãi từ Nghị định 04/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50% vốn (40% ngân sách Trung ương và 10% ngân sách tỉnh), còn lại là vốn của doanh nghiệp.

Từ việc được hưởng ưu đãi đầu tư, ông Lý bị cáo buộc lập hồ sơ thanh toán, chiếm đoạt tiền Nhà nước tại một số hạng mục xây dựng nhà máy xử lý rác.


 

Sáng 19/8, UBND phường 8, TP Cà Mau (Cà Mau) nhận thông báo của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác nhận việc khởi tố bị can, bắt tạm giam Tô Công Lý về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 179 Bộ luật Hình sự.

Công ty Công Lý là chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, Điện gió Khai Long ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau và Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tham gia dự án Nhà máy điện gió Công Lý Sóc Trăng giai đoạn 1 (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng) và giai đoạn 3 Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu làm chủ đầu tư). Tổng vốn đầu tư các dự án này lên trên 24.700 tỷ đồng.

    Việt Tường (zing)
 

Có thể bạn quan tâm