NASA phát hiện muộn vụ nổ thiên thạch mạnh thứ hai trong 30 năm qua do vật thể chỉ lớn cỡ một chiếc xe buýt.
Thiên thạch phát nổ cách mặt biển khoảng 25 km. Ảnh: IFL Science. |
Một thiên thạch lớn tương đương xe buýt chở học sinh phát nổ trong khí quyển Trái Đất hôm 18/12/2018 với năng lượng va chạm bằng 10 quả bom nguyên tử, Live Science đưa tin. Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), đây là vụ nổ thiên thạch lớn thứ hai kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi chúng cách đây 30 năm, chỉ xếp sau quả cầu lửa từng phát nổ bên trên thành phố Chelyabinsk, Nga vào tháng 2/2013.
Tuy nhiên, hầu như không có ai trông thấy vụ nổ xảy ra, nhiều khả năng do thiên thạch này nổ tung phía trên biển Bering, vùng biển lạnh thuộc Thái Bình Dương, nằm giữa Nga và Alaska, cách nơi có người ở hàng kilomet. NASA biết về vụ nổ thông qua không quân Mỹ.
Vệ tinh giám sát tên lửa của không quân Mỹ nằm trong số những thiết bị đầu tiên phát hiện vụ nổ. Mảnh vỡ từ vụ nổ cũng được ghi nhận bởi các máy dò siêu âm chuyên đo sóng âm tần số thấp mà tai người không thể nghe thấy trên khắp thế giới. Điều này giúp các nhà khoa học thu thập đủ dữ liệu để rút ra một số kết luận cơ bản về thiên thạch.
Theo NASA, thiên thạch nặng khoảng 1.500 tấn, có đường kính khoảng 10 m và bay qua khí quyển với vận tốc 115.200 km/h trước khi phát nổ. Vụ nổ xảy ra cách mặt biển 25 km và phát ra năng lượng tương đương 173 kiloton thuốc nổ TNT, gấp 10 lần năng lượng của quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến II. Thiên thạch Chelyabinsk rộng 19 m bay qua Nga và được nhiều lái xe ghi lại. Sóng xung kích của vụ nổ khiến hơn 1.200 người bị thương.
Các tổ chức theo dõi thiên văn trên thế giới không phát hiện thiên thạch bay tới gần do kích thước nhỏ của nó. Alan Fitzsimmons, nhà thiên văn học ở Đại học Queen tại Belfast, bắc Ireland, cho biết phần lớn kính viễn vọng hiện đại được thiết kế để nhận biết vật thể có đường kính từ vài trăm mét trở lên. Do đó, những vật thể nhỏ kiểu này dễ bị bỏ sót.
An Khang (VNE)