Điểm chung lớn nhất của đội tuyển điền kinh Bình Định (cũ) và đội tuyển điền kinh Gia Lai (cũ) là đều tập trung đầu tư vào các cự ly chạy trung bình - dài. Tuy nhiên, trong khi đội tuyển điền kinh Bình Định (cũ) xác định trọng tâm ở các nội dung tiếp sức, cự ly dài trong sân, các thành viên phố núi lại chủ yếu rèn quân ở… ngoài đường.
Với cánh chim đầu đàn Phạm Thị Hồng Lệ, điền kinh Bình Định (cũ) đã gặt hái được nhiều thành công trong khoảng 10 năm trở lại đây, trong đó có hàng chục tấm huy chương ở các đấu trường SEA Games, Đại hội Thể thao toàn quốc và giải vô địch quốc gia…

Đặc biệt, phong trào chạy bộ tại 2 địa phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nhờ sức lan tỏa từ các giải đấu quy mô như: VnExpress Marathon Quy Nhơn, Gia Lai City Trail - Giấc mơ đại ngàn, Giải Việt dã Báo Gia Lai, Giải Việt dã truyền thống Kpă Klơng, Giải Việt dã Chinh phục đỉnh Pờ Yầu… Hầu hết các hoạt động này đều thu hút hàng nghìn VĐV tham gia, góp phần nuôi dưỡng đam mê và tạo nền tảng cho phong trào chạy bộ phát triển bền vững.
Số lượng người tập luyện môn chạy bộ tăng đáng kể, kéo theo sự xuất hiện của nhiều chân chạy trẻ đầy tiềm năng. Với địa bàn trải rộng và dân số khoảng 3,5 triệu người, đây là nguồn lực tốt để tuyển chọn VĐV phù hợp với các nội dung chuyên môn của đội tuyển.
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự đầu tư của điền kinh Gia Lai (cũ) thời gian qua là đi bộ. Tại Giải Vô địch điền kinh trẻ quốc gia năm 2025 diễn ra cách đây gần 1 tháng, VĐV Nguyễn Văn Viết Hùng (SN 2010) đã xuất sắc giành tấm HCV cự ly 3.000 m lứa tuổi 14 - 15, với thành tích 14 phút 20 giây 83, phá kỷ lục quốc gia lứa tuổi U18 ở cự ly đi bộ 3.000 m.
Trước đó, tại Giải Vô địch điền kinh trẻ năm 2024, VĐV khác của Gia Lai (cũ) là Nguyễn Thành Đạt đã giành 1 HCV nội dung chạy 10.000 m và 1 HCB nội dung chạy 5.000 m. Trong khi đó, Hà Quang Thắng cũng ghi dấu ấn với 2 HCĐ ở các nội dung chạy 10.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật.
Cả hai đã được triệu tập vào đội tuyển điền kinh quốc gia, tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng. Với tài năng và sự tiến bộ rõ rệt, 2 VĐV này được kỳ vọng sẽ tỏa sáng, thậm chí vượt qua dấu ấn mà những đàn anh, đàn chị như Nguyễn Văn Long, Nguyễn Thị Mỹ Liên từng tạo dựng cho điền kinh phố núi.

Trong khi đó, ngoài VĐV giàu thành tích ở các giải vô địch quốc gia là Phạm Thị Hồng Lệ, đội tuyển điền kinh Bình Định (cũ) hiện đang sở hữu nhiều chân chạy trẻ xuất sắc ở các đường đua 1.500 m, 5.000 m, 10.000 m và các nội dung đồng đội.
Tuy vậy, khoảng cách về trình độ của VĐV trẻ với VĐV “tên tuổi” vẫn còn khá xa, đòi hỏi sự đầu tư bài bản, có trọng tâm trong nhiều năm mới có thể tranh chấp huy chương ở các giải vô địch quốc gia.
Ông Huỳnh Minh Hiếu, HLV đội tuyển điền kinh, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Gia Lai, cho biết: Việc hợp nhất tỉnh đem lại nhiều cơ hội cho các bộ môn thể thao, trong đó có điền kinh. Ở khâu tuyển chọn, chúng ta có thêm “dư địa” dồi dào để tuyển lựa những VĐV có tố chất phù hợp cho từng nội dung.
Bên cạnh đó, ở các giải quốc gia, HLV có thể tính toán bố trí VĐV vào những nội dung thế mạnh, kết hợp hài hòa để hướng tới thành tích tốt nhất cho thể thao Gia Lai trong thời gian tới.
Ngoài những yếu tố kể trên, điều kiện tự nhiên, địa hình có nhiều khác biệt cũng là những môi trường tập luyện đa dạng, vừa tạo hứng thú cho VĐV, vừa bổ trợ, nâng cao những tố chất cần thiết để VĐV phát huy hết năng lực, cải thiện thành tích, đủ sức tranh tài ở các giải đấu.