Thầy giáo vùng biên Chư Prông giúp học sinh nghiên cứu khoa học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không chỉ hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn, thầy Hoàng Việt Trung-giáo viên Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) còn hỗ trợ, hướng dẫn học sinh thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và đạt được nhiều giải thưởng cấp tỉnh và quốc gia.

Đầu giờ chiều, trong một căn phòng ở dãy nhà hiệu bộ của Trường THPT Pleime, thầy Trung cùng 2 học sinh ngồi tô vẽ trên một xấp giấy A4. Thầy Trung chia sẻ: “Tôi đang hướng dẫn các em học sinh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học để tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh năm 2023. Đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hành vi, phạm vi nghiên cứu là ở huyện Chư Prông. Thầy trò chúng tôi đang nỗ lực hết sức với mục tiêu đạt giải cao tại cuộc thi năm nay”.

Chia sẻ về công việc đang theo đuổi, thầy Trung kể: “Lúc còn là sinh viên, tôi đã có các bài viết về lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội được đăng trên tạp chí của trường. Sau này, khi đi làm, tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu, viết bài gửi các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước. Năm học 2018-2019, tôi hướng dẫn các em học sinh thực hiện đề tài “Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai”. Đề tài đạt giải nhì tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Thành quả bước đầu đó là sự khích lệ để tôi tiếp tục nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học những năm tiếp theo”.

Thầy Hoàng Việt Trung hướng dẫn các em học sinh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Ảnh: Thiên Di

Thầy Hoàng Việt Trung hướng dẫn các em học sinh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Ảnh: Thiên Di

Công tác ở ngôi trường vùng khó không phải là rào cản mà trở thành động lực để thầy Trung nỗ lực trong công tác dạy học. Ngoài giờ lên lớp, Bí thư Đoàn trường THPT Pleime Hoàng Việt Trung còn dành thời gian xuống các thôn, làng tìm hiểu tình hình thực tế địa phương, từ đó tìm kiếm những đề tài nghiên cứu khoa học vừa sức học sinh, đồng thời có tính ứng dụng cao. Sau đó, thầy Trung hướng dẫn các em thực hiện đề tài. “Khi giảng dạy, tôi tìm cách khơi dậy trong học sinh tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học. Kế đó, từ thực tiễn địa phương, tôi đưa ra những ý tưởng phù hợp với lứa tuổi học sinh rồi động viên các em tham gia nghiên cứu. Nhận thấy những đề tài vừa sức với mình, các em học sinh sẽ tham gia tích cực. Từ năm học 2018-2019 đến nay, tất cả 5 đề tài mà tôi gợi mở và hướng dẫn học sinh thực hiện đều đạt giải cao tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật trong học sinh trung học, sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh và quốc gia. Đơn cử như đề tài “Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai” đã đạt giải nhì cấp tỉnh và là 1 trong 9 đề tài được gửi đi thi cấp quốc gia. Còn đề tài “Xây dựng cẩm nang truyện tranh phòng-chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em dành cho học sinh tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai” đạt giải ba Cuộc thi khoa học kỹ thuật trong học sinh trung học cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia năm 2022”-thầy Trung tâm sự.

Thầy Hoàng Việt Trung và nữ sinh Đỗ Thị Yến Nhi chụp hình lưu niệm tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh năm 2022. Ảnh: Thiên Di

Thầy Hoàng Việt Trung và nữ sinh Đỗ Thị Yến Nhi chụp hình lưu niệm tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh năm 2022. Ảnh: Thiên Di

Thầy Nguyễn Thế Hùng-Hiệu trưởng Trường THPT Pleime:Thầy Hoàng Việt Trung là một trong những giáo viên giỏi về chuyên môn, nhiệt tình và sáng tạo trong công tác Đoàn. Năm 2019, thầy Trung được bầu chọn là Công dân tiêu biểu của tỉnh và năm 2021 được UBND tỉnh tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua. Không những thế, thầy Trung còn góp nhiều công sức trong việc hướng dẫn, hỗ trợ học sinh thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và quốc gia.

Để giúp học sinh đạt được giải cao trong các cuộc thi, ngoài chuyện chủ động tìm ý tưởng, thầy Trung còn tự bỏ tiền túi mua vật tư, nhiều đêm thức trắng chỉnh sửa bản viết và xuôi ngược cùng học sinh khi khảo sát thực tế. Những đóng góp thầm lặng của thầy là sự khích lệ lớn lao với các em học sinh. Em Hà Kpă H’Huyền-cựu học sinh Trường THPT Pleime, hiện là sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn-chia sẻ: “Năm học 2020-2021, em và nhóm bạn thực hiện đề tài “Truyện cổ tích Jrai dành cho học sinh tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai”. Để thực hiện đề tài, chúng em nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của thầy Trung. Thầy đã hướng dẫn chúng em từng chút một khi làm đề tài và cùng xuống làng nói chuyện với người già để ghi lại lời kể. Có những đêm, thầy thức trắng cùng chúng em để làm cho xong đề tài. Kết quả, đề tài này đã đạt giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật trong học sinh trung học cấp tỉnh. Ngoài ra, thầy còn tự bỏ tiền túi để in truyện giúp chúng em. Mà có phải chỉ 1 lần đâu, in đi in lại 10 lần mới có 1 cuốn truyện hoàn thiện. Em luôn nhớ mãi công ơn và nỗ lực học hành để mai này được đứng trên bục giảng như thầy Trung”.

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.