Thầy giáo trẻ có thu nhập nửa tỷ đồng nhờ công việc làm thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thầy giáo trẻ cho biết, trong năm 2020 cây trồng của vườn đã bắt đầu cho thu hoạch ổn định khoảng 500 đến 600 triệu đồng.
Thầy giáo trẻ Lê Trung Học (1988) sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, sau tốt nghiệp đại học năm 2012, anh chuyển vào Gia Lai để dạy học. Từ tháng 3/2014 đến nay, anh trở thành giáo viên chính thức tại trường THPT Trần Nhân Tông tại Đắk Lắk. Nhưng vì đam mê với nông nghiệp nên từ một anh giáo chỉ biết cầm phấn và nghiên cứu, đầu năm 2016 chàng trai trẻ đã cùng với 2 người anh vợ chung vốn mua 3,5ha đất của người dân cách nhà hơn 20km để trồng cây ăn trái như ổi, cam xoàn, quýt đường,...
 
Thầy giáo trẻ Lê Trung Học chia sẻ vụ quýt và cam năm nay ước đạt từ 30 đến 40 tấn quả
Thầy giáo trẻ Lê Trung Học chia sẻ vụ quýt và cam năm nay ước đạt từ 30 đến 40 tấn quả
Anh Học cho biết những ngày đầu nhìn đám đất chỉ toàn sắn mì, khi cày xới lên để trồng cây thì chất đất chẳng có nên ý tưởng làm vườn của 3 anh em bị nhiều người dân địa phương bảo khùng. Thầy giáo trẻ chia sẻ do không ai có kinh nghiệm làm nông nên cả 3 anh em vừa làm vừa học hỏi từ những clip hướng dẫn trên mạng. Bên cạnh đó, người anh lớn tuổi Trần Văn Danh – là một giáo viên dạy Toán được cử đi thực tế và học hỏi những mô hình chuyên làm cây có múi theo phương pháp sinh học tại Đồng Nai để về chỉ dạy lại cho 2 em.
Do chỉ có 3 – 4 buổi dạy tin học mỗi tuần (15-17 tiết/tuần) nên anh Học là người thường xuyên có mặt tại vườn cây. Anh cho biết, trong những tháng đầu công việc rất vất vả khi buổi sáng lên lớp, buổi chiều lại vượt 60km từ trường vào vườn để cầm cuốc vun gốc, tưới cây. Để tiết kiệm chi phí, anh tự mình vào nhà dân mua phân gà, phân bò, vỏ cà phê để về làm phân bón sinh học, ôm máy phát cỏ,... Trong khi tối đến lại chong đèn điện từ bình năng lượng mặt trời để xem bài vở cho các học trò.

Anh Học chia sẻ: “Nhiều lúc đêm về một mình trong núi rừng đau ốm không biết gọi ai nghĩ nản lắm. Nhưng biết sao được muốn làm sạch an toàn cho con mình dùng thì chịu thôi, với thực ra bao tài sản em đổ vào đây rồi bỏ về thì vợ con khổ, thế là em vay thêm để đầu tư”.

Thầy giáo trẻ tự tay ôm máy phát cỏ để chăm sóc vườn cây
Thầy giáo trẻ tự tay ôm máy phát cỏ để chăm sóc vườn cây
Sau quãng thời gian 2 năm xuống giống và chăm sóc vườn cây với rất nhiều khó khăn trong việc cải tạo đất, tìm nguồn nước tưới, trống lại cây trồng sau những ảnh hưởng của gió bão, đầu năm 2018 những vất vả của thầy giáo trẻ bắt đầu được đền đáp khi những cây ổi trồng theo phương pháp sinh học bắt đầu cho trái. Đến năm 2019, vườn của 3 anh em Học thu hoạch được 10 tấn ổi, lúc này các đầu mối mua sỉ đã nhiều hơn nên thu nhập của thầy giáo trẻ cũng được cải thiện hơn trước. Số lãi thu được tiếp tục được anh tái đầu tư vào chăm sóc những gốc cam xoàn và quýt đường.
Thầy giáo trẻ và 2 người anh vợ có thêm động lực khi đến tháng 8/2019 những cây quýt và cam trồng theo phương pháp sinh học cũng cho trái bói và được rất nhiều khách hàng đánh giá cao. Đến cuối năm đó, những sản phẩm nông sản làm ra đã được nhiều đầu mối bán hàng nông sản sạch và bán hàng online liên hệ đặt hàng. Từ lúc này anh không còn phải loay hoay trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Thay vào đó cả 3 anh em chỉ việc tập trung vào việc chăm sóc cây và dưỡng quả để đạt năng suất cao nhất.
Anh Học chia sẻ, sau 5 năm với bao vất vả và công chăm sóc thì đến nay vụ quýt xoàn và cam đường ước tính được khoảng 30 đến 40 tấn quả cho thu nhập khoảng 500 đến 600 triệu đồng. Hiện tại vườn của anh đang bắt đầu vào vụ thu hoạch quýt xoàn với sản lượng từ 2 đến 2,5 tấn mỗi tuần. Anh cũng cho biết trái cây của vườn đang được bán chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
 
Công đoạn ủ phân sinh học để chăm sóc vườn cây cũng rất vất vả và đòi hỏi sự kiên nhẫn rất nhiều
Công đoạn ủ phân sinh học để chăm sóc vườn cây cũng rất vất vả và đòi hỏi sự kiên nhẫn rất nhiều
Dù có thu nhập cao từ vườn cây, nhưng thầy giáo trẻ thừa nhận để làm giàu từ nông nghiệp là điều không dễ dàng và cần sự kiên nhẫn. Anh Học cho biết việc chăm sóc cây trồng theo phương pháp sinh học rất vất vả bởi phải làm tất cả các công đoạn của việc ủ phân, bón phân cho cây, xử lý cây trồng khi bị bệnh.
Bên cạnh đó, việc tưới nước cho cây trong mùa khô của Tây Nguyên cũng rất cực bởi thời gian này thường kéo dài từ 3 đến 5 tháng. Vì tưới liên tục ngày nào cũng tưới, nên chi phí mua dầu rất tốn kém (mỗi ngày chạy máy bơm nước hết tới 40-50 lít dầu), máy chạy liên tục từ 5, 6 giờ  sáng đến 10, 12 giờ đêm mới tắt. Mỗi lần máy bơm bị hỏng thì rất vất vả và khó khăn trong việc tìm người sửa. Đến nay sau gần 5 năm đầu tư vào vườn cây ăn quả, số vốn 3 anh em bỏ ra đã lên tới gần 2 tỷ đồng, chưa kể số tiền lãi quay vòng để tái sản xuất trở lại.
Chia sẻ về làn sóng “bỏ phố về quê” của nhiều bạn trẻ hiện nay, anh Học cho rằng nhiều người đang hiểu lầm khi cho rằng làm nông là sướng. Theo anh, khi bắt tay vào làm mới thấy được những cái khó khăn, vất vả của những người làm nông dân. Với những người vẫn giữ ý định bỏ phố về quê, về rừng lập nghiệp, anh cho biết trước khi đưa ra quyết định cần phải suy xét kỹ bởi nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ thì chỉ có thể hồ hởi trong thời gian đầu để rồi lại “bỏ quê lên phố” tìm việc làm chỉ sau vài tháng.
Theo Trung Kiên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.