Thành phố Gia Nghĩa, Đắk Nông nợ người dân gần 600 suất đất tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã tiến hành thu hồi, giải toả nhiều diện tích đất và phải bố trí tái định cư cho người dân. Thế nhưng, qua nhiều năm, hàng trăm hộ dân vẫn đang "mòn mỏi" chờ đợi.

Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đang tập trung xây dựng khu tái định cư để trả nợ cho người dân. Ảnh: Bảo Lâm
Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đang tập trung xây dựng khu tái định cư để trả nợ cho người dân. Ảnh: Bảo Lâm
"Mòn mỏi" chờ tái định cư
Thống kê của UBND thành phố Gia Nghĩa, hiện Nhà nước đang nợ người dân 590 lô đất tái định cư. Trong đó, các hộ được bố trí tái định cư theo diện di chuyển chỗ ở là 302 lô; đất tái định cư theo diện trường hợp đặc biệt (không còn nơi ở khác) là 7 lô; đất tái định cư theo diện thưởng là 281 lô.
Bên cạnh đó, số hộ dân được phê duyệt tái định cư từ Dự án Thủy điện Đắk R’tíh mới được bàn giao về cho thành phố là 417 lô; trong khi đó, qũy đất bàn giao chỉ có 217 lô, số quỹ đất còn thiếu 146 lô.
Trường hợp bà N.T.L. có đất và nhà ở bị thu hồi tại vùng Dự án Hạ tầng Công viên Hồ Thiên Nga. Quyết định thu hồi đất của bà L. được ban hành và thực hiện di dời từ năm 2012. Thế nhưng, đến nay, gia đình bà vẫn chưa nhận được đất tái định cư.
Bà L. cho biết, ngay sau khi bị thu hồi đất, người dân chưa được cấp tái định cư để ổn định cuộc sống. Tại thời điểm thu hồi đất của bà, giá bồi thường khá thấp, chỉ 150.000 đồng/m2. Nhưng thời điểm này, giá bồi thường vào khoảng 300.000 đồng/m2. Sự chênh lệch về giá là điều hết sức thiệt thòi cho gia đình bà.
Theo bà L. nếu bây giờ Nhà nước mới cấp đất tái định cư cho người dân thì cần tính lại giá đất theo quy định mới. Bởi vì giá đất tại khu tái định cư mới có mức từ 2,2 - 4,2 triệu đồng/m2, người dân không đủ khả năng để đóng tiền đất. "Tôi đã kiến nghị các cấp sớm bố trí đất tái định cư và xem xét lại giá đất hiện tại”, bà L. cho hay.

Nhiều dự án tái định cư đang được các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông xây dựng để sớm bố trí trả nợ các xuất tái định cư cho người dân. Ảnh: Bảo Lâm
Nhiều dự án tái định cư đang được các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông xây dựng để sớm bố trí trả nợ các xuất tái định cư cho người dân. Ảnh: Bảo Lâm
Tập trung giải quyết
Theo UBND thành phố Gia Nghĩa, nguyên nhân là do địa phương chưa có quỹ đất để bố trí tái định cư cho dân. Bên cạnh đó, một số hộ được chọn ưu tiên cấp đất trước, nhưng vị trí không phù hợp, cách xa với khu vực sản xuất hoặc giá đất quá cao so với tiền hỗ trợ đền bù, nên họ vẫn chưa thể nhận.
Để có quỹ đất trả nợ đất tái định cư cho người dân, tỉnh đang triển khai nhiều dự án tại định cư, với khoảng 1.530 lô đất. Cụ thể, khu tái định cư phía Đông hồ trung tâm do UBND thành phố Gia Nghĩa làm chủ đầu tư có khoảng 638 lô. Khu tái định cư này đang bước vào giai đoạn hoàn thiện hạ tầng cơ sở với khoảng 80% khối lượng.
Ngoài ra, khu tái định cư Đắk Nur B (Ban Quản lý dự án giao thông, dân dụng, công nghiệp làm chủ đầu tư) có khoảng 552 lô, hiện đã hoàn thiện hơn 90% dự án…
Theo ông Vũ Tá Vượng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất thành phố Gia Nghĩa: "Sau khi các khu tái định cư được hoàn thiện, Nhà nước có thể bố trí 590 lô tái định cư đang nợ người dân. Hiện nay, thành phố Gia Nghĩa đã được bố trí quỹ đất và đang quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để cấp tái định cư cho người dân. Mục tiêu là trong quý II/2021, thành phố sẽ phê duyệt và sẽ tiến hành cấp đất xong cho dân".
Mặt khác, theo ông Vũ Tá Vượng, việc giá đất tại thời điểm thu hồi đất so với thời điểm cấp đất tái định cư có sự chênh lệch rất lớn. UBND thành phố Gia Nghĩa đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét cơ chế cụ thể nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân và Nhà nước, không để xảy ra bất cập.
BẢO LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.