Từng có một công việc và thu nhập ổn định tại TP Hồ Chí Minh, nhưng sau một lần về quê, chị Phạm Thị Út ở Thôn 1, xã Hòa Nam (Di Linh) đã quyết định từ bỏ cuộc sống nhộn nhịp ở thành phố lớn để về quê chọn hướng khởi nghiệp cho mình từ cây mắc ca. Sau hơn 4 năm gầy dựng, đến nay Cơ sở Di Lin mắc ca của chị Phạm Thị Út đã được thị trường trong nước biết đến. Đây cũng là sản phẩm đã được chứng nhận OCOP (3 sao) của địa phương.
Chị Phạm Thị Út đang giới thiệu về quy trình chế biến mắc ca |
Từ ước mơ nhỏ
Là một cô gái trẻ lanh lợi, hoạt bát và năng động, với niềm đam mê kinh doanh và thích sống tự lập, nên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông chị Phạm Thị Út không tiếp tục học lên đại học mà quyết định khăn gói xuống TP Hồ Chí Minh theo học nghề pha chế thức uống để gắn bó với công việc kinh doanh trà sữa, cà phê... “Sau khi kết thúc khóa học pha chế 6 tháng, tôi tiếp tục ở lại đây vừa đi làm thêm đủ mọi công việc, vừa tích góp vốn và dành thời gian đi tìm hiểu, nghiên cứu thị trường rồi mở một tiệm trà sữa nho nhỏ ở Sài Gòn, đồng thời để trải nghiệm và tích lũy thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh”, chị Phạm Thị Út cho hay.
Chị Phạm Thị Út và hai người bạn thân đã cùng nhau hùn vốn thuê mặt bằng để mở chuỗi quán trà sữa trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, một trong những tuyến đường nhộn nhịp, náo nhiệt ở TP Hồ Chí Minh. Tuy công việc kinh doanh đang gặp rất nhiều thuận lợi và phát triển tốt, nhưng trong một chuyến về quê thăm gia đình và trong thời gian phụ giúp bố mẹ thu mua các mặt hàng nông sản cũng như bán vật tư phân bón cho người dân địa phương, chị Út đã bị sản phẩm trái mắc ca cuốn hút, chinh phục và níu kéo chị ở lại với mảnh đất quê hương.
Đến khởi nghiệp từ mắc ca
Chị Phạm Thị Út chia sẻ, trong thời gian phụ giúp gia đình kinh doanh, chị vô tình gặp một bác nông dân từng là khách hàng của gia đình có mang trái mắc ca tươi đến hỏi nơi thu mua. Bởi những năm đầu sản xuất mắc ca, người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn do không biết bán ở đâu và bán cho ai. Chị Phạm Thị Út bày tỏ: “Tôi đã từng nghe thông tin trên báo chí mắc ca là “cây nữ hoàng”, “cây tỷ đô” và đã được trồng tại Việt Nam. Thấy vậy, tôi có liên hệ với một công ty ở ngoài Hà Nội để thu mua trái mắc ca nhưng lúc đó họ không thu mua bởi số lượng còn ít. Và, tôi tiếp tục liên hệ với một số công ty khác thì nhận thấy nông sản mắc ca rất tiềm năng nên quyết định thu mua lại sản phẩm cho bà con nông dân. Cùng với đó, tôi có liên kết với một số anh chị ở Đà Lạt là những người am hiểu và có mối quan hệ với các đơn vị sản xuất mắc ca uy tín. Từ đó đã tạo cho tôi có thêm động lực theo đuổi nghề kinh doanh mắc ca”.
Sau đó, chị Phạm Thị Út đã dành thời gian đi nhiều nơi để tìm hiểu về quy trình sản xuất, kỹ thuật sấy cũng như nghiên cứu kỹ hơn về thị trường mắc ca; đồng thời, quyết định sản xuất, chế biến nhằm cung cấp trực tiếp cho thị trường, vừa đảm bảo ổn định về giá cả cho người nông dân vừa nâng cao giá trị sản phẩm.
Chị Phạm Thị Út cho biết: “Với xuất phát điểm của cơ sở chúng tôi là mong muốn tiêu thụ nông sản cho người nông dân, sản phẩm làm ra ổn định, giá cả cạnh tranh hơn, nông dân là người được hưởng lợi; sau khi tìm hiểu, năm 2018 tôi đã đầu tư 100 triệu đồng mua thiết bị máy móc để chế biến bằng phương pháp sấy chín, sấy khô. Trong quá trình sản xuất, tôi vừa làm và đúc kết kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm”.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Cơ sở Di Lin mắc ca chẳng những không khống chế số lượng, mà còn xây dựng vùng nguyên liệu và mở rộng địa bàn thu mua sản phẩm ở các huyện Di Linh, Bảo Lâm... TP Bảo Lộc và tỉnh Đắk Nông. Vì vậy sản phẩm mắc ca cung cấp cho thị trường ngày càng tăng và hiện đạt từ 30 - 35 tấn mắc ca thương phẩm/năm, tăng gấp 10 lần so với năm 2018. Hiện dựa trên mức giá chi phí sản xuất, thu mua sản phẩm, giá mắc ca trên thị trường được thu mua tại nhà vườn dao động từ 90 - 95 ngàn đồng/kg. Còn sau khi đã chế biến có mức giá từ 250 - 260 ngàn đồng/kg. Ngoài chế biến mắc ca thương phẩm sấy chín, sấy khô, chị Út còn tìm tòi và cho ra các sản phẩm sữa làm từ mắc ca và bánh mắc ca.
Hiện Cơ sở Di Lin mắc ca đã giải quyết và tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên tại địa phương, trong đó có 6 lao động có thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Còn những tháng cao điểm vào dịp tết đạt từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Khi được hỏi về định hướng trong thời gian tới, chị Phạm Thị Út chia sẻ, với khoảng 35 tấn sản phẩm như hiện nay chỉ cơ bản cung cấp cho thị trường trong nước, vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Thông qua một người chị ở Đà Lạt đang làm việc với Amazon, chị muốn đưa một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có mắc ca ra thị trường trên thế giới. Vì vậy, trong tương lai, ngoài việc tiếp tục ký hợp đồng với người nông dân, liên kết sản xuất, thực hiện theo quy chuẩn mà cơ sở đưa ra trong quá trình canh tác, thu hái… thì cơ sở sẽ mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng theo tiêu chuẩn chứng chỉ quốc tế HACCP-ISO 22000 để đảm bảo sản xuất và đáp ứng nhu cầu sản lượng, chất lượng sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó sẽ liên kết xây dựng cáctour du lịch canh nông tại địa phương.
http://www.baolamdong.vn/kinhte/202103/thanh-cong-tu-dam-me-voi-cay-nu-hoang-3046894/
Theo NDONG BRỪM (LĐ online)