Thăm làng du lịch Cù Lần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vẫn như hè mọi năm, năm nay, thằng con trai bạn tôi ở xứ nóng lại phôn: “Con được nghỉ rồi, bác ơi! Hè này cả nhà lên Đà Lạt du lịch, con lại nhờ bác…”. Đã nhiều cái hè như thế, nên cu cậu Hải Đăng con trai bạn tôi xem ra đã “rảo” không sót điểm du lịch nào của Đà Lạt.

Năm nay, nhớ ra là Hải Đăng đã mười sáu tuổi, cái tuổi sắp làm người lớn, nên tôi nghĩ cần phải chọn một điểm du lịch “đinh” nào đó có chút… bụi bụi để hợp với nó hơn. Chợt nhớ ra một điểm “cần đến”, tôi hào hứng trong điện thoại: “Vô trong rừng sâu thăm làng Cù Lần nghen?”. Hải Đăng hào hứng: “Nghe cái tên “Cù Lần” là thích rồi, bác ơi!”.

Tắt điện thoại di động, tôi miên man nghĩ: Đà Lạt (Lâm Đồng) nổi tiếng du lịch là vậy, nhưng ngay với cả du khách ít khi chọn Đà Lạt để vui chơi trong dịp hè, chỉ rảo một vòng trong dăm ba ngày là không còn chỗ đi. Lần này, trước đứa con trai sắp thành người lớn của bạn, tôi chọn làng Cù Lần là có hơi… mạo hiểm; vì trước giờ, tôi chẳng biết mô tê chi cái làng du lịch nghe nói là chỉ mới mở chưa đầy một năm này!

 

Chuẩn bị cho đêm sinh hoạt cồng chiêng. Ảnh: Khắc Dũng
Chuẩn bị cho đêm sinh hoạt cồng chiêng. Ảnh: Khắc Dũng

“Mạo hiểm” nhưng thú vị

Gọi cho một người bạn đồng nghiệp nói rõ “ý đồ”, tôi nhận được cái gật đầu: “Đúng đấy, nên đưa thằng nhóc vào Cù Lần! Nó sẽ thích thú cho mà xem!”. Rồi, bạn tôi lại dặn: “Nên đưa thức ăn, đồ uống theo! Dã ngoại mà!”.

Buổi sáng, tôi và cả nhà bạn đi mua đủ thứ. Theo hướng dẫn của người bạn đồng nghiệp, tôi cho xe chạy thẳng theo hướng Đà Lạt-Suối Vàng (huyện Lạc Dương). Qua Suối Vàng, xe tôi chạy thêm hơn mười cây số nữa theo hướng Đưng Knớ (Lạc Dương) trên một con đường đèo quanh co uốn lượn giữa những cánh rừng thông đẹp như tranh. Trên đường đi, Hải Đăng con trai bạn tôi ít nói hẳn. Càng vào sâu trong rừng, trời càng lạnh hơn. Tuy nhiên, cái lạnh vẫn không làm cho chàng trai sắp thành người lớn ấy giảm đi sự háo hức của người xứ nóng đến với Đà Lạt.

Quãng đường từ trung tâm Đà Lạt vào làng Cù Lần ngót nghét ba mươi cây số chứ không phải ít. Đứng ngay trên con đường nhựa mới mở nhìn xuống: Trong tầm mắt tôi là một thung lũng khá rộng, một thung lũng nằm kẹp giữa những cánh rừng thông ngút ngát. Điểm xuyết giữa thung lũng và những cánh rừng thông là một vài ngôi nhà mái ngói và những chòi mái lá xây dựng theo kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên nương theo các triền đồi, ven theo con suối róc rách uốn lượn.

Ven suối, mấy bụi chuối rừng đang trổ hoa; có cả dăm ba lùm mía nữa. Dọc theo lối mòn lát gạch là những lùm sim, lùm mua và cả mấy vạt hoa kim châm. Cu cậu Hải Đăng con bạn tôi cứ trầm trồ: “Rừng ở đây còn nhiều hơn so với ở Đà Lạt, bác héng!”. Tôi tủm tỉm cười, rồi giải thích cho nó rõ hơn: “Nhìn cách làm du lịch như thế này, chúng ta có thể cảm nhận được tấm lòng của họ đối với tự nhiên: Nương theo rừng mà sống!”.

Biết ở đây có dịch vụ đưa du khách đi thăm rừng bằng xe Jeep kiểu “địa hình”, tôi hỏi Hải Đăng: “Đi xe Jeep tìm cảm giác mạnh nhé?”. Đứa con trai mười sáu tuổi gật đầu không một chút đắn đo. Hóa ra, chuyến xe Jeep hơn 4 km xuyên qua những cánh rừng, xuyên qua những bãi lầy, xuyên qua những khúc suối cạn, ngược lên mấy cái dốc đứng, cắm đầu xuống đôi ba cái vực… đã làm cho cu cậu vô cùng thích thú.

Đã quá trưa, chúng tôi chọn một chòi lá để dừng chân và bày đồ ăn ra. Ở chòi bên cạnh, một nhóm sinh viên cũng làm tương tự. Từ bên chòi bên, tiếng guitare cất lên. Tiếng vỗ tay giữ nhịp cho giọng nam trầm của chàng sinh viên âm âm giữa rừng già: “Anh không biết làm thơ không hát lời hay có cánh/Cho anh nói lời yêu như đứa nhà quê thật thà/Xin em hãy nhận đi xác thân mẹ nuôi khôn lớn/Xin em hãy nhận đi trái tim mộng mơ… trái tim Cù Lần…”. Lần đầu nghe, lại thấy hợp với không gian này vô cùng nên tôi sang chòi bên cạnh hỏi về bài hát. Chàng sinh viên làm tôi bất ngờ: “Dạ, cháu không biết tên bài hát là gì, nhưng chắc chắn đó là bài do ông chủ của làng du lịch Cù Lần này sáng tác đấy, chú à!”.

 

Xe Jeep địa hình. Ảnh: K.D
Xe Jeep địa hình. Ảnh: K.D

Nghệ sĩ làm du lịch

Buổi chiều, Văn Tuấn Anh- ông chủ của làng du lịch Cù Lần-xuất hiện. Sau vài câu xã giao, tôi chủ động làm quen với ông chủ này bằng “con đường âm nhạc”: “Tôi vừa nghe mấy em sinh viên hát “Anh không có giàu sang không có nhà cao cái phố…”. Tên ca khúc là gì?”. Tuấn Anh bảo: “Tôi gọi nó là “Trái tim thật thà”, nhưng có người khuyên nên đổi thành “Trái tim Cù Lần” cho nó… thật cù lần, và đúng với làng “Cù Lần” hơn!”.

Câu chuyện của tôi và Tuấn Anh trở nên cởi mở hơn. Tuấn Anh tâm sự với tôi nhiều thứ lắm. Anh không chỉ nói rằng vì sao lại chọn vùng “rừng thiêng nước độc” này làm du lịch mà còn lý giải “cái yêu rừng” của anh vì sao tự tin đến… cực đoan như vậy! Tuấn Anh bảo: “Tôi dân gốc miền Trung; mười mấy tuổi đã vào Sài Gòn lập nghiệp. Đã từng bỏ tiền tỷ để kinh doanh ở nơi đô hội ấy.

Trong thương trường, thất bại đã trải, thành công cũng đã từng. Nhưng rốt cục, chuyện kinh doanh nó cứ nhàn nhạt thế nào ấy! May mà trong tôi còn một chút máu nghệ sĩ. Và, nhờ đó, tôi đã tìm lên đây, đến nơi hoang vắng này để ca hát: “Xin đừng hỏi yêu em nhiều ít/Em ơi nhìn suối chảy ngày đêm/Em hãy đếm Cù Lần khoe bóng/Em cứ đong cạn nước vơi đầy…”.

Thú thật, tôi chưa một lần thấy Văn Tuấn Anh xuất hiện ở làng văn nghệ Lâm Đồng với tư cách là một nghệ sĩ nhưng khi nghe “Trái tim thật thà”, tôi không tránh khỏi bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi vài hôm sau, ngồi nói chuyện với M.P.K. (một nhiếp ảnh gia “khùng” nổi tiếng của Đà Lạt), tôi được M.P.K. tiết lộ: “Tuấn Anh có mấy ca khúc hay lắm đấy!”.

Tôi lại hỏi Văn Tuấn Anh: “Sao lại gọi làng du lịch này là “Cù Lần”?”. Nét cười của “ông chủ” này hiền khô: “Khu vực thung lũng này nhiều cây cù lần lắm anh à! Nó như cây dương xỉ vậy! Nhưng cái gốc của nó thì xù xì nhìn ngộ lắm. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số quanh đây thường lấy gốc cây này gọt thành hình con cù lần rồi mang ra Đà Lạt bán cho du khách…”. Tôi quay sang chuyện khác: “Sống giữa những buôn làng của bà con, lấy “chất” văn hóa các dân tộc Tây Nguyên làm… chủ đạo trong kinh doanh, Tuấn Anh chắc phải vất vả lắm?”.

Văn Tuấn Anh vẫn với nụ cười hiền khô: “Tôi biết ơn bà con nhiều lắm, anh ạ! Họ không chỉ giúp tôi những việc thường ngày mà còn dạy cho tôi biết yêu rừng, yêu thiên nhiên nơi này! Tôi học ở họ rất nhiều điều, trong đó có chuyện biết nương vào tự nhiên mà sống!”.

Rừng trong khu làng Cù Lần này rộng những hai trăm ha, hầu hết là rừng thông ba lá, một ít là rừng hỗn giao. Riêng khu thung lũng này cũng có đến cả chục ha dành cho sự khám phá của du khách. “Khám phá để yêu rừng hơn, yêu thiên nhiên hơn!”-Văn Tuấn Anh bỗng quay sang đứa con trai bạn tôi như muốn nói riêng cho nó nghe. Cả ngày, Hải Đăng đã “trải” qua hoặc tận mắt nhìn thấy nhiều trò chơi mang tính khám phá ở làng Cù Lần hoang dã này: Đi bộ lên đồi Yên Ngựa, kết bè chèo trên hồ, lội suối bằng chân trần, đi cầu treo, câu cá, cỡi ngựa… và dĩ nhiên là đi xe Jeep địa hình.

Nắng chiều không còn vương trên ngọn cây rừng. Tôi trở ra Đà Lạt sau cái bắt tay với “ông chủ” Văn Tuấn Anh. Phải thở dốc khi leo lên rất nhiều bậc tam cấp nhưng tôi vẫn nhẩn nha mấy câu trong “Trái tim thật thà” của Văn Tuấn Anh: “Anh không biết làm thơ không hát lời hay có cánh/Cho anh nói lời yêu như đứa nhà quê thật thà/Xin em hãy nhận đi xác thân mẹ nuôi khôn lớn/Xin em hãy nhận đi trái tim mộng mơ… trái tim Cù Lần…”.

Khắc Dũng

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.