(GLO)- Được cùng gia đình đón một cái Tết đầm ấm, đoàn viên ở quê nhà là niềm mong mỏi của những người con xa quê. Trong những dự tính cả năm tôi tin ai xa quê hương cũng gạch chân kế hoạch về quê ăn Tết. Thế nhưng, một cái Tết sum họp ở quê nhà không phải ai cũng có được, bởi nhiều lý do, Tết quê vẫn là chuyện của kẻ ở người về.
Tôi thấy lòng mình chộn rộn hơn khi trong những ngày tháng Chạp, dạo quanh vài ba trang mạng xã hội Facebook của hội đồng hương các huyện. Mọi người từ khắp nơi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn xung quanh tấm vé về quê ăn Tết. Những cung bậc cảm xúc này, ai đã từng trải qua mới thấu hiểu.
Niềm vui về quê đón Tết của sinh viên. Ảnh: N.G |
Bạn Nguyễn Thị Thu Trang (nhà ở thị trấn Kbang, huyện Kbang) sinh viên mới ra trường, hiện đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh tỏ ra vô cùng thất vọng khi không thể săn được một tấm vé về vào ngày 26 tháng Chạp. Trang chia sẻ: “Em đã tìm mua vé của tất cả các xe về Kbang nhưng không có. Bố em cũng tìm cách đặt vé tại huyện nhưng tất cả ghế đã kín chỗ. Em cùng một người bạn săn vé về TP. Pleiku hoặc TP. Quy Nhơn rồi từ đó đi thêm một chặng nữa về nhà nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.
Hàng ngày, Trang đều đặn vào trang “Kbang đồng hương hội” để mong được chia sẻ thông tin về việc mua vé xe về Tết hoặc tìm kiếm cơ may có ai đó cần bán lại vé. Tâm trạng lo lắng của Trang là điều dễ hiểu bởi đối với nhiều người, một cái Tết xa nhà là điều đáng sợ. Thế nhưng, lại có không ít người buộc phải dửng dưng với chuyện vé tàu xe, đi lại ngày Tết. Nhiều bạn sinh viên vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà phải ở lại thành phố, tất bật với công việc làm thêm. Những tâm trạng “Thèm được về nhà, ăn bánh chưng bố gói”; “Tết này về quê, đó là một giấc mơ”… đọc mà nghe cay xè nơi sống mũi xuất hiện nhiều trên các trang cá nhân.
Đối với nhiều người mới lập gia đình, làm ăn xa nhà thì mơ về một Tết quê sum vầy có phần hơi xa xỉ. “Tết này về quê với bố mẹ, anh chị em là một giấc mơ đối với chị. Một phần vì hai con còn nhỏ, một phần là công việc của anh không được nghỉ dài ngày, tiền bạc lại không dư dã, việc đi lại ngày Tết nhiều tốn kém nên cả nhà chị đành ở lại ăn Tết ở Gia Lai”-chị Nguyễn Thị Hiền (quê ở Quảng Bình, hiện ở trọ tại 28 Võ Trung Thành, phường Ia Kring, TP. Pleiku) nói.
Dù đã chuẩn bị tâm lý cho một cái Tết xa quê nhưng chị Hiền không thể giấu được nỗi lòng của kẻ ở lại. Mỗi lần thấy anh Nguyễn Hoàng Kiên (làm việc tại Công ty Công trình Đô thị TP. Pleiku), ở cùng xóm trọ chuẩn bị cho việc về quê đón Tết là chị lại thấy buồn. Anh Kiên hiểu được cảm giác của chị Hiền bởi đây là cái Tết đầu tiên anh được về nhà ở TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) sau 3 năm anh qua Gia Lai làm việc. Những món quà Tết gồm: mật ong rừng, cà phê bột, măng khô được anh chuẩn bị chu đáo, gói ghém cẩn thận nhưng cũng có phần kín đáo để tránh chạm sâu hơn vào nỗi buồn của “Tết xa quê”.
Ngoài niềm vui được mang quà Tết về quê, anh Kiên còn chuẩn bị một danh sách nào là mứt dâu, mứt hồng, trà Atisô, trà B’Lao Bảo Lộc… những đặc sản quê nhà để làm quà cho bạn bè sau ngày Tết. Anh hào hứng nói: “Ba năm rồi tôi mới lại được cùng gia đình đón Tết. Niềm vui của tôi một thì niềm vui của bố mẹ tôi mười nên Tết này tôi thấy hạnh phúc và ý nghĩa lắm. Tôi đang mong từng ngày để được nhìn ngắm những cung đường quanh co, bạt ngàn chè và thông xanh của quê hương Bảo Lộc”.
Tết quê thiêng liêng là thế bởi liệu còn tính được bao lần nắm lấy đôi bàn tay in dấu thời gian của ông bà, cha mẹ mà mừng tuổi, cầu chúc sức khỏe, bình an. Thế nên, giọt nước mắt của chị Hiền rơi xuống khi tâm sự về một cái Tết xa quê là lẽ thường tình.
Nguyễn Giang