Tết nhất… bất hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tết Nguyên đán là dịp gia đình sum họp. Vậy mà có nhà cứ năm hết Tết đến là… khai chiến. Nguyên nhân là “cơm không lành canh không ngọt” vì chuyện bia rượu, chi tiêu và nhiều khúc mắc từ cách ứng xử trong gia đình.
Khi những “lá cờ” gặp “gió”
Vin vào cớ “nam vô tửu như kỳ vô phong”, nhiều anh tranh thủ 3 ngày Tết gầy mâm nhậu trong nhà để tiếp đãi anh em chiến hữu. Thôi thì đủ loại rượu Tây ta, rượu thuốc, bia lon, bia chai được nâng ly uống cạn vì bạn hiền kèm thêm đờn ca hoặc karaoke cho có khí thế. Nếu chỉ ở mức độ vừa phải thì các bà xã rất vui vì các món “mồi” được thực khách hưởng ứng hết mình và nhà cửa cực kỳ xôm tụ. Nhưng quá đà thì kéo dài liên miên đến “hết mùng” khiến ai nấy trong nhà phát “oải chè đậu”. Nhiều cuộc rượu chỉ kết thúc khi những “lá cờ” tơi tả như vừa gặp… bão: người gục ngã bên thềm “cho chó ăn chè”, người loạng choạng lên giường gia chủ nằm nghỉ nhờ, người mặt mũi đỏ gay rồ ga phóng xe ra về trong lời cảnh báo lè nhè của bạn nhậu: “Đã uống… xe thì đừng lái… rượu bia!!”. Chỉ có vợ con lui cui dọn dẹp lau chùi bãi chiến trường, chép miệng: “Tết mà!”.
 Đừng biến những ngày Tết sum vầy thành cái cớ gây bất hòa trong gia đình (Ảnh minh họa).
Đừng biến những ngày Tết sum vầy thành cái cớ gây bất hòa trong gia đình (Ảnh minh họa).
Vậy còn may, có cuộc dẫn đến khẩu chiến hoặc tỷ thí khiến ai nấy một phen hoảng hồn, tàn cuộc phải dắt nhau lên phường lấy lời khai và làm bản tường trình vì tội gây rối trật tự công cộng!
Bội chi
Có chút lương thưởng cuối năm, nhiều đức lang quân chi mạnh tay “cho bằng anh bằng em”. Nhà cửa sắm thêm đồ đạc đón Tết cho rực rỡ, thiếu thì mua trả góp hoặc vay mượn tiền tậu cho bằng được. Sau những lời khen tấm tắc và tiếng xuýt xoa của khách khứa họ hàng khiến gia chủ “nở mày nở mặt” là những ngày quần quật “cày thuê cuốc mướn” để trả nợ. Vợ chồng lời qua tiếng lại, không khí gia đình trở nên nặng nề, mệt mỏi.
Nhiều nội tướng bùi tai với những chương trình bán hàng hấp dẫn, những đợt giảm giá sâu dịp Tết của các nhãn hàng và các siêu thị nên đã rinh về nhà cả mớ đồ lớn nhỏ mà 12 tháng còn lại chưa chắc đã xài hết, nào là quần áo mới cho đại gia đình, các loại bánh mứt kẹo, nước ngọt mà sắp nhỏ thích, nào là ly tách, chén bát, xà bông, dầu ăn, dụng cụ làm bếp... Nhà cửa bếp núc chật chội vì hàng khuyến mãi chất cao như cửa hiệu tạp hóa!
Đi Tết nhà nội, nhà ngoại
Chuyện quà biếu họ hàng gia đình hai bên là chủ đề được các đôi vợ chồng đưa ra bàn cãi nhiều nhất và cũng dễ gây ấm ức, bất mãn nhất. Nhiều cặp trong cảnh lấy chồng, lấy vợ xa đã đi đến thống nhất: Cứ năm nay ăn Tết ở nhà nội thì năm sau ăn Tết ở nhà ngoại để con cháu kính nhớ ông bà tổ tiên của cả hai dòng họ. Nhiều gia đình trên nguyên tắc thì vậy nhưng thực tế lại diễn ra khác hẳn. Có ông chồng cho rằng không cần về quê vợ ăn Tết cho xa xôi tốn kém, chỉ cần gửi tiền biếu bố mẹ nhiều hơn một chút thì các cụ vẫn có cái Tết ấm cúng. Thế nhưng sâu trong lòng, nhiều người vợ vẫn khao khát được đón năm mới bên cạnh gia đình, nơi mình chôn nhau cắt rốn. Có chị quan niệm tiền có thể kiếm bất cứ lúc nào, còn tình cảm gia đình họ tộc cần vun đắp chu toàn chứ không phải chỉ làm cho có, cho xong nghĩa vụ. 
Nhiều gia đình thuận lợi khi gần cả nội ngoại thì lại lấn cấn khoản quà biếu hai bên. Các đôi bình đẳng và “nhà có điều kiện” thì vui vẻ “đi Tết” đều hai bên tứ thân phụ mẫu. Có đôi thì “bên nặng bên nhẹ” tùy vào vị trí, uy thế và khả năng kiếm tiền của vợ hay chồng trong gia đình. Nếu vợ là lao động chính và có “tiếng nói” trong nhà thì bên “nhạc phụ đại nhân” được quan tâm hơn, ngoài quà biếu công khai, con gái còn giúi riêng cho mẹ tiêu pha sắm sửa. Nếu người vợ thu nhập thấp đang ở nhà chăm con nhỏ, gặp người chồng vô tâm thì ngậm ngùi với phận “con gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu”. Nhiều đấng mày râu đang ở rể cũng chạnh lòng khi không lo nổi cái Tết cho cha mẹ ở quê trong khi nhà vợ rộn rã sung túc đón Xuân.
Những nỗi buồn khó giãi bày ấy khiến không khí kém vui và câu chuyện ngày Xuân giữa vợ chồng cũng lạnh lẽo, nhát gừng dẫn đến tranh cãi, bất hòa.
Vui có chừng, dừng đúng lúc
Ai đó đã nói rằng: Vết thương ngoài da thì người ta cần dùng cồn để sát trùng, còn vết thương trong lòng cũng dùng… cồn nhưng ở dạng uống! Mà ngày Tết thì có nhiều lý do để “nâng lên hạ xuống”, để làm lành những vết thương ấy lắm!
Tết là dịp để nhà nhà đoàn viên sum vầy kính nhớ tổ tiên, “ăn Tết”, “chơi Tết”, “nghỉ Tết”... Đừng biến đó thành cái cớ gây bất hòa trong nhà, bởi vì chẳng ai cố tình làm khổ người mình yêu quý, phải không ạ?
 Th.S-BS. Nguyễn Lan Hải

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.