(GLO)- Gần 30 năm nay, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những gia đình người Tày gốc Thái Nguyên, Lạng Sơn ở xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) lại đem đến một không gian miền núi phía Bắc đặc trưng giữa lòng Tây Nguyên lộng gió. Đó là những chiếc bánh giò dẻo thơm, mát rượi; những chén rượu hoẵng thơm nồng hay các trò chơi dân gian như ném còn, hát then.
Độc đáo với bánh giò và rượu hoẵng
Với người Tày, Tết đến, Xuân về cũng là dịp để mọi người trong gia đình được sum họp, chúc nhau những điều tốt đẹp trong một năm mới. Vậy nên cứ trước Tết khoảng 15 ngày, các gia đình đã rục rịch sắm sửa bánh kẹo, làm thịt heo, nấu rượu, gói bánh. Từ 20 đến 30 tháng Chạp, mỗi gia đình sẽ chọn một ngày tốt để cúng tất niên với một con heo. Nhà nào có điều kiện thì mua một con heo để ăn trong 3 ngày Tết. Những nhà không có điều kiện thì góp chung tiền mua một con heo thật to rồi chia mỗi hộ một ít. “Thịt heo là món ăn không thể thiếu của người Tày trong 3 ngày Tết. Heo càng to thì chứng tỏ năm qua gia đình làm ăn phát đạt và ngược lại”- ông Nông Văn Lân (thôn Bắc Thái) cho biết.
Bánh giò là một món ăn truyền thống của người Tày. Ảnh: Hồng Thương |
Tuy nhiên, hai món đặc trưng nhất được sử dụng để đãi khách trong ngày Tết của người Tày vẫn là rượu hoẵng và bánh giò. Cứ trước Tết khoảng 10 ngày, các gia đình đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để gói bánh giò, ủ rượu hoẵng. Mời khách thưởng thức món bánh giò vừa được vớt ra sau mấy ngày đêm kỳ công gói, nấu, ông Lân cho biết: Nấu bánh giò trải qua rất nhiều công đoạn. Trước khi gói, gạo nếp phải được ngâm với tro để bánh có màu và vị bánh cũng ngọt, mát hơn. Do đó, tro phải được đốt từ vỏ đậu, vỏ mì hoặc vỏ một số cây rừng để tro đảm bảo sạch sẽ. Sau khi ngâm gạo, gói bánh, bánh sẽ được nấu từ tối hôm nay đến sáng hôm sau. Dù kỳ công nhưng với quan niệm của người Tày: “Sống lâu mới được ăn bánh giò”- tức chỉ ai sống khỏe mạnh đến Tết thì mới được ăn bánh giò nên mỗi khi Tết đến, Xuân về, nhà nào cũng rạo rực gói món bánh này.
Riêng rượu hoẵng chỉ khi nào đến Tết mới được ủ để đãi khách chứ không dùng trong ngày thường. Rượu được làm từ cơm nếp ủ với một loại men được làm từ cây rừng có tên gọi là Hy Khát (theo cách đọc của người Tày-P.V). Cây Hy Khát sau khi giã nát được chế biến thành men, rồi đem ủ với cơm nếp, khoảng 1 tuần sau là dùng được. “Rượu này chỉ ủ chứ không cất nên mỗi lần có khách, thường chủ nhà sẽ chắt lấy rượu vào cốc hoặc để nguyên cả cái bỏ vào chén để mời khách. Phần nữa, nồng độ của rượu hoẵng rất nhẹ nên uống rượu chỉ sợ no mà không sợ say. Cũng bởi vậy nên khách đến chơi nhà ngày Tết thường không say men mà lại say tình-đó là tình anh em, tình làng, nghĩa xóm...”- ông Lân tâm sự.
Rộn ràng với lễ hội ném còn
Ném còn (còn được gọi là tung còn) là một lễ hội truyền thống của người Tày các tỉnh phía Bắc. Dù đã di cư vào thôn Bắc Thái đã lâu nhưng lễ hội ném còn của bà con người Tày quê Lạng Sơn, Thái Nguyên vẫn giữ nguyên nét đặc sắc, độc đáo.
Người chơi phải tung còn qua vòng tròn có dán giấy đỏ. Ảnh: Phan Lài |
Lễ hội ném còn thường được tổ chức vào ngày đầu tiên của năm mới. Từ mấy ngày trước Tết, những người uy tín nhất của cộng đồng người Tày đã phải tìm khu vực đất trống bằng phẳng nhất ở trong thôn để tổ chức lễ hội. Họ dựng một cây tre thẳng, cao khoảng từ 15-25 mét ở giữa khu đất, trên đỉnh cây được uốn thành vòng tròn và được dán giấy đỏ. Các cô gái khéo tay nhất cũng tranh thủ thời gian chuẩn bị những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ, sặc sỡ được ghép lại với nhau. Bên trong quả còn, họ nhồi hạt thóc hay hạt đậu với mong ước mùa màng thuận lợi trong năm mới. Dây còn dài khoảng 20 cm, được nối dây dài có cột các tua vải nhiều màu sắc để trang trí và giúp định hướng quả còn.
Người tham gia lễ hội luôn thể hiện sự khéo léo qua mỗi lần tung còn. Ảnh: Phan Lài |
Vào ngày diễn ra lễ hội, mọi người tụ tập đến kín sân ném còn, trai gái, già trẻ ở trong thôn sẽ đứng xen kẽ nhau để ném còn, khoảng cách hai bên là 20-30 mét. Hai bên sẽ tung còn cho nhau sao cho quả còn bay qua và làm rách miếng giấy đỏ trên đỉnh cây còn thì lễ hội mới dừng lại. Việc ném còn trúng đích là một việc khó khăn, đòi hỏi người tham gia phải có sức khỏe và sự khéo léo, đôi khi chỉ mất 15 phút nhưng cũng có khi mất đến mấy ngày. Người ném còn làm rách miếng giấy đỏ đầu tiên là người hạnh phúc nhất và được mọi người thán phục. Phần thưởng cho người thắng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của thôn trong năm qua. Chị Ngô Thị Tọa (40 tuổi)- người đã từng ném còn trúng đích chia sẻ: “Đây là lễ hội truyền thống của dân tộc nên khi di cư vào đây chúng tôi phải gìn giữ để nhớ về cội nguồn. Nó cũng là môn thể thao hữu ích giúp rèn luyện sức khỏe. Bản thân tôi cũng biết ném còn từ lúc 20 tuổi. Chúng tôi rất vui vì thế hệ trẻ của dân tộc cũng rất háo hức với lễ hội truyền thống này.
Trao đổi với P.V, ông Lê Thành Công-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu cho biết: Người Tày chiếm hơn 50% dân số ở thôn Bắc Thái, hiện còn gìn giữ nhiều bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về cũng là lúc cộng đồng người Tày bước vào mùa lễ hội. Chính quyền xã rất ủng hộ và khuyến khích bà con tham gia. Đây cũng là chủ trương mà chính quyền xã triển khai trong tất cả các cuộc họp dân để tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ nét đặc sắc văn hóa của dân tộc.
Phan Lài-Hồng Thương