Tây Nguyên vẫn căng sức chống dịch bệnh truyền nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tưởng chừng như dịch bạch hầu đã tạm lắng xuống ở Tây Nguyên, nhưng rồi vùng này lại tiếp tục ghi nhận thêm một ca tử vong vì bệnh này. Nguyên nhân được xác định là do sự tắc trách của lực lượng y tế địa phương. Ngoài ra, dịch tay chân miệng vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk phải căng sức để đối phó với dịch tay chân miệng đang có những diễn biến phức tạp ở địa phương. Ảnh: Bảo Trung
Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk phải căng sức để đối phó với dịch tay chân miệng đang có những diễn biến phức tạp ở địa phương. Ảnh: Bảo Trung
Diễn biến phức tạp
Ông Đinh Hà Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai - cho hay, trên địa bàn vừa có thêm một trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu. Theo đó, bệnh nhân tử vong do bạch hầu là H (14 tuổi, học sinh lớp 9 trường Tiểu học và THCS Đak Ta Ley, huyện Mang Yang).
“Do cháu H có bệnh nền là tim bẩm sinh, khi nhập viện thì các bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi. Hướng chẩn đoán có đôi chút sơ suất, nhầm lẫn, bệnh nhân nhập viện muộn và tử vong nhanh” - ông Nam nói.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Gia Lai có 2 trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu. Trước đó, cháu V (4 tuổi, ở làng Bong Hiot, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa) cũng tử vong tại Bệnh viện Nhi Gia Lai do bệnh bạch hầu. Cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành khoanh vùng dập dịch nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong tương tự. Các bệnh truyền nhiễm khác ở tỉnh cơ bản đều giảm so với cùng kỳ, đặc biệt các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng giảm mạnh…
Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, dù nhiều ngày qua, địa phương chưa ghi nhận thêm ca mắc bạch hầu nào nhưng ngành Y tế tỉnh đang cố gắng kiểm soát dịch tay chân miệng đang có dấu hiệu bùng phát trở lại trong ít tuần qua. Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận hơn 600 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2019). Số ca bệnh phân bổ chủ yếu ở các huyện lớn như: Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Pắk. Hiện, địa phương này vẫn còn nhiều cháu nhỏ nằm điều trị ở các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và thậm chí nhiều ca trở nặng phải chuyển vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để theo dõi.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xác nhận, từ đầu năm đến nay, đơn vị tiếp nhận 220 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị. Một số ca bệnh được chuyển đến từ các địa phương giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk như Gia Lai, Đắk Nông hay thậm chí cả Lâm Đồng.
Đặc biệt, tại tỉnh Kon Tum, công tác tiêm chủng mở rộng của địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngành Y tế tỉnh mới chỉ triển khai tiêm chủng được 34/64 xã (đạt tỉ lệ chỉ 53,1%). Tỉnh này hiện có một bộ phận khá lớn người dân ở độ tuổi lớn không thể có miễn dịch đối với bệnh bạch hầu, đặc biệt là người dân ở các xã vùng xa, vùng khó khăn.
Hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong
TS-BS Trần Thị Thúy Minh - Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - nhận định: Hiện, bệnh tay chân miệng chân chưa có vaccine để phòng ngừa nên tốt nhất người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và cho trẻ ăn; không cho trẻ bốc thức ăn, ngậm mút đồ chơi; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và các dụng cụ trẻ tiếp xúc hằng ngày bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân biết nguy hiểm của dịch bệnh để có các bệnh pháp chủ động phòng ngừa.
Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - bày tỏ, đơn vị đã đề nghị các trường học trên địa bàn tỉnh thường xuyên khử khuẩn làm vệ sinh phòng ốc để hạn chế việc lây lan dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bạch hầu và tay chân miệng. Sở còn có những văn bản hướng dẫn gửi cho các đơn vị tuyến dưới tuyên truyền cho người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng đã và đang triển khai tiêm vaccine phòng bạch hầu cho người dân vùng lõm và nhiều ngày qua địa bàn chưa xác nhận ca nhiễm mới.
Ngành Y tế Kon Tum cũng dự báo rằng, trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục xuất hiện ca bệnh, các ổ dịch bạch hầu rải rác trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của tỉnh này là chủ động phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh bạch hầu, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong.
THANH TUẤN - BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm