Tây Nguyên lại rung lắc vì động đất liên tiếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đầu giờ chiều nay (20/8), khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum của Tây Nguyên lại ghi nhận 3 trận động đất liên tiếp, trong đó trận mạnh nhất có độ lớn 4.2, gây rung lắc cho khu vực bề mặt đất xung quanh tâm chấn.

Trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 12h57 phút đầu giờ chiều nay với độ lớn 3.4. Chỉ sau đó một phút, thêm một rung chấn xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với độ lớn 3.8.

Khoảng 7 phút sau, lúc 13 giờ 05 phút, ở độ sâu khoảng 8.1km, một trận động đất có độ lớn 4.2 tiếp tục xảy ra tại khu vực này, gây rung chấn cho khu vực huyện Kon Plông và các huyện lân cận.

Như vậy, sau ít ngày yên tĩnh, động đất liên tiếp lại xảy ra ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Theo số liệu thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, từ đầu năm đến nay, khu vực này ghi nhận trên 200 trận động đất. Trong đó trận động đất trưa ngày 28/7 mạnh 5.0 độ đã gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, nhiều ngôi nhà, công trình công cộng bị nứt nẻ tại khu vực gần tâm chấn.

Trận động đất 5.0 độ ngày 28/7 gây rung lắc mạnh cho Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền Trung.

Trận động đất 5.0 độ ngày 28/7 gây rung lắc mạnh cho Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền Trung.

Chỉ riêng 4 ngày cuối tháng 7, khu vực này ghi nhận gần 60 trận động đất, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con khu vực huyện Kon Plông và các huyện lân cận.

Từng là khu vực khá yên tĩnh, từ tháng 4/2021, động đất kích thích bắt đầu xuất hiện tại khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum, ngay sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước. Từ đó đến nay, khu vực này đã ghi nhận hàng trăm trận động đất xảy ra. Có thời gian động đất xảy ra dồn dập, có thời gian tĩnh lặng hơn, liên quan đến chu kỳ tích nước của hồ chứa.

Các chuyến điều tra, khảo sát của đoàn chuyên gia Viện Vật lý địa cầu đưa ra nhận định, động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hoạt động tích nước hồ chứa gây áp lực lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất phát sinh sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.

Theo PGS Cao Đình Triều, các nghiên cứu trong nước và quốc tế nhận định, động đất tự nhiên cực đại ở khu vực này có thể từ 6-6.3 độ. Vì vậy, động đất kích thích cực đại trong khu vực ít có khả năng vượt quá 5.3 độ. Không loại trừ trường hợp trận động đất mạnh 5.0 độ vào trưa ngày 28/7 là trận động đất kích thích lớn nhất ở khu vực này.

Theo Nguyễn Hoài (TPO)

Có thể bạn quan tâm